Trong cuốn "Tôi nghĩ tôi thích nước Mỹ" tôi có viết một chương về dịch giả Elbert Bloom, nhân cuốn tiếng Anh "In the Golden Sun" vừa in cùng lúc, tôi trích đăng đoạn này để bạn biết vì sao tôi có dịch giả riêng như thế:

Về dịch giả Elbert Bloom 

Nhiều người thắc mắc vì sao tôi tìm được một người Mỹ hiểu tiếng Việt để có thể tự dịch truyện của tôi ra tiếng Anh. Đến nay tôi đã có ba cuốn truyện dài được dịch ra tiếng Anh: Beloved Oxford (Oxford yêu thương), Seeing Paris Through Closed Eyes (Nhắm mắt thấy Paris) và In the Golden Sun (Cung đường vàng nắng). Tất cả công sức dịch ba cuốn sách ấy ra tiếng Anh là do ông Elbert Bloom mà tôi gọi một cách đầy tự hào là dịch giả riêng của Dương Thụy. Thật vậy, ông cũng chỉ đang dịch sách của tôi và tôi cũng chỉ có mình ông là xung phong làm công việc tốn nhiều công sức này.

Tôi nhớ cách đây chừng mười năm, một ngày đẹp trời kia tôi nhận được email từ một độc giả ngoại quốc, ông gởi kèm một truyện ngắn của tôi đã được ông dịch ra tiếng Anh. Ông nói tìm thấy truyện tôi trên Internet rồi mày mò dịch giải trí cho vui. Bản dịch đó không xuất sắc lắm vì có nhiều chỗ hiểu sai hoàn toàn nhưng tôi khá cảm kích. Tuy nhiên, tôi nghĩ đó chắc phải là một Việt kiều mang tên nước ngoài hoặc một sinh viên nước ngoài đang học tiếng Việt. Tôi trả lời email một cách thân thiện vừa phải và tò mò hỏi một chút về lý lịch của độc giả lạ này. Tôi đã rất ngạc nhiên khi nhận được email trả lời của ông Elbert Bloom. Tôi không còn tìm ra email đó để có thể nhớ chính xác ông nói gì, nhưng tôi nhớ ông có nói một câu đại loại là “Tôi biết rõ về cô trên Internet nhưng thật không công bằng nếu cô không biết gì về tôi. Vậy để tôi tự giới thiệu về mình với cô”. Và thế là tôi được biết ông không hề là một Việt kiều, cũng không phải là sinh viên trẻ tuổi mà đã xấp xỉ 70 tuổi. Ông là người Mỹ chính gốc, nghề nghiệp kỹ sư và có giai đoạn sống ở Việt Nam trước 1972. Ông từng lập gia đình với một phụ nữ Việt Nam (đã chia tay từ lâu) và tự học tiếng Việt. Ông thấy truyện tôi thú vị, nên tập dịch ra tiếng Anh để trao dồi thêm tiếng Việt.

Từ đó, tôi và ông Elbert trao đổi với nhau thường xuyên qua email và ông tiếp tục dịch thêm một số truyện ngắn khác. Sau đó, ông Elbert bắt tay vào dịch truyện dài “Oxford thương yêu” ra tiếng Anh. Quá trình dịch kéo dài cả năm trời. Hai chúng tôi email qua lại liên tục để sửa bản dịch. Cuốn sách đó cả hai đều chưa có kinh nghiệm dịch. Nhưng sau khi hoàn tất cuốn sách dịch, ông Elbert tự nhận tiếng Việt của ông giỏi hơn, còn tôi cũng thấy tiếng Anh của tôi được cải thiện. Chúng tôi liên lạc với nhau thường xuyên, gần như cách hai hay ba ngày là chúng tôi gởi email qua lại. Ngoài việc trao đổi chuyện dịch sách, chúng tôi còn tâm sự thêm nhiều chuyện cá nhân. Tôi ước gì mình có dịp được gặp ông Elbert, được đến thăm ngôi nhà của ông, được tìm hiểu vì sao ông thích tiếng Việt trong khi cuộc hôn nhân của ông với người vợ Việt đã kết thúc từ lâu và các con của ông cũng không biết tiếng Việt. Dù ông có nói ông muốn luyện trí óc cho minh mẫn thông qua việc dịch sách, tôi vẫn thấy thời giờ và công sức của ông đổ ra quá nhiều. Tôi càng thêm trân trọng ông Elbert khi ông nhờ tôi sữ dụng phần tiền nhuận bút của ông khi xuất bản cuốn “Beloved Oxford” cho mục đích từ thiện. 


  next page >