Hưởng ứng phong trào «Đọc sách thật phong cách» #docsachthatphongcach
Thật ra tôi đọc sách rất nhiều nhưng không bao giờ trong tư thế điệu đàng cả. Tôi tranh thủ đọc bất cứ khi nào có thể nên bạ đâu đọc đó. Vì phong trào này thiên về hình ảnh, để tuyên truyền cho chuyện đọc sách nên cần « phong cách ».
Hình này tôi chụp ở Jardin de Luxembourg (Paris) cùng bà mẹ nuôi Michou vào mùa Xuân 2015. Bà nói chỗ này hơi sang chảnh, hơi ra vẻ trí thức, hơi ra vẻ ta đây. Bà không thích nơi này lắm, bà nói Jardin Luxembourg có nhiều người ra vẻ trí thức đến đây đọc sách nhưng nhìn họ chảnh chảnh. Tuy nhiên bà làm tôi phì cười khi đề nghị tôi nên chụp hình đọc sách ở đây cho vui, bà móc trong giỏ ra cuốn sách về Paris đưa tôi làm «đạo cụ». Rồi bà ra lệnh «Làm mặt chảnh chảnh lên nghe không!». Nhưng mặt tôi sao chảnh được, nên lúc chụp tấm này tôi cười toe toét, phải lấy sách lên che miệng cho bớt «vô duyên». Còn bà Michou ngồi kế bên sưởi nắng. Cuộc đời có những lúc thong dong.
Sẳn tiện tôi copy đoạn văn này, đã đăng trong cuốn du ký «Venise và những cuộc tình gondola»,
#venisevanhungcuoctinhgondola ;có nhắc đến Jardin de Luxembourg :
Luxembourg của Anatole France :
Lần đầu đến Paris, tôi không mong được đưa đi thăm những kỳ quan nổi tiếng mà một mực đòi dẫn đến vườn Luxembourg. Khu vườn đó thật ra là một công viên khá rộng lớn, vào mùa hè nắng nhảy nhót trên những luống hoa sặc sỡ và du khách đang dập dìu nói cười rộn rã. Chẳng còn đâu cái man mác buồn của một chiều thu, không chiếc lá vàng nào nhẹ nhàng đậu xuống những bức tượng trắng phau cô quạnh. Nhưng rồi tôi tự nhủ, nếu mình cũng đi ngang vườn Luxembourg vào những ngày đầu tháng mười, làm sao mình đủ sức… cạnh tranh lại những vầng thơ Anatole France. Vậy thì bạn ơi, tôi sẽ kể bạn nghe, vườn Luxembourg của những ngày hè sôi động vậy. Du khách từ khắp nơi trên thế giới đang hài lòng ngồi sưởi nắng trên những chiếc ghế dựa sau những giờ phút dạo chơi trong khu Latin và những công trình kiến trúc bao quanh đó, họ ngắm những bức tượng của những vị thần Hy Lạp, của các bà hoàng Pháp xa xưa, của nhạc sĩ Beethoven hay nhà thơ Baudelaire. Những đứa trẻ đang bu quanh cái hồ tròn với những chiếc tàu cánh buồm nhỏ xinh đủ mọi kiểu dáng. Chúng cũng thích đến chỗ múa rối vui nhộn và cười rộn lên vào những đoạn cao trào. Những người lớn tuổi chọn kiosque có dàn nhạc giao hưởng rồi nghiêm túc ngồi lắng nghe cho đến nốt nhạc cuối cùng.
Paris còn biết bao khu vườn và công viên xinh đẹp nằm rải rác khắp nơi. Những khoảng xanh tĩnh lặng ấy được người dân Paris hào phóng dành tặng thật nhiều diện tích. Vào những ngày nắng ấm, họ không ở trong những căn hộ bé tí chật chội của mình mà ùa cả vào những nơi có cây xanh, trên tay một cuốn sách, ai cũng chăm chú vừa nghe chim hót vừa trải lòng vào những dòng văn thơ. Tôi đã hiểu vì sao người Pháp là một trong những dân tộc yêu văn chương nhất thế giới. Hẳn Anatole France không thể có được bài thơ « Ngày tựu trường » tuyệt đến thế nếu ông không đi qua vườn Luxembourg vào một chiều đầu thu. Và hẳn tôi không thể có được cảm xúc trào dâng mỗi khi được quay lại Paris nếu kinh thành ánh sáng thiếu đi những khu vườn. Những khu vườn văn thơ…
