Nỗi buồn Phú Sĩ

Chúng tôi đến tỉnh Shizuoka là một trong hai tỉnh sở hữu núi Phú Sĩ (tỉnh còn lại là Yamanashi). Hôm nay trời âm u, anh trưởng đoàn cho biết theo dự báo thời tiết trời sẽ mưa và có sương mù. Cầm chắc chúng tôi không nhìn thấy được trọn vẹn ngọn núi Phú Sĩ, niềm tự hào của người Nhật từ bao đời nay. Trước khi đến Nhật tôi vẫn thường ngắm hình núi Phú Sĩ được chụp từ mặt hồ Tanumako óng ánh. Đỉnh ngọn núi quanh năm tuyết phủ trắng xóa, đỉnh núi không vút nhọn mà có hình chóp cụt, đó chính là miệng núi lửa, không biết được ngày nào đó sẽ phun trào. Mặt trời soi vào đỉnh núi phủ tuyết vào lúc hoàng hôn làm lóe lên ánh sáng kim cương và đồng thời cũng phản chiếu xuống mặt hồ hình ảnh một viên kim cương khác. Hình ảnh 2 viên kim cương trên đỉnh núi Phú Sĩ và dưới mặt hồ Tanumako làm tôi thần người vì vẻ đẹp huyền ảo khiến tôi nhất quyết phải một ngày sang Nhật ngắm được cảnh này.

Nhưng giờ đây được đến Nhật, được đến thăm ngọn núi linh thiêng tuyệt đẹp này thì thời tiết lại không cho phép. Thông thường vào lúc trời quang, từ Tokyo người ta đã có thể thấy núi sừng sững xa xa. Thôi thì hẹn núi vào một lần khác, vào mùa xuân khoảng tháng Năm trong lành vậy. Dù sao tôi cũng có đồng xu 5 yên may mắn rồi, lo gì mà không có dịp trở lại.

Chúng tôi dừng ở chân núi để ăn trưa trong một nhà hàng có dãy cửa sổ nhìn thẳng ra vực núi mù sương. Cảnh vật đẹp nhưng buồn da diết, mùa thu nước Nhật đâu chỉ có lá đỏ lãng mạn. Sao không ai nói với tôi là còn những hạt mưa rỉ rã và đám sương mù mênh mang?

 

Sau khi ăn trưa, chúng tôi được xe chở lên núi. Dù thời tiết không quang quẻ để ngắm đỉnh núi, nhưng chúng tôi vẫn sẽ lên được đến trạm dừng chân số 5, trạm cao nhất (2.300 mét). Núi Phú Sĩ có độ cao tổng cộng là 3.776 mét nhưng chẳng mấy ai lên đến đỉnh. Khách tham quan kể cả người Nhật cũng chỉ lên đến trạm số 5 là hết mức (vì cũng hết sức). Anh trưởng đoàn kể đã từng một lần theo chân những người bạn Nhật leo núi Phú Sĩ. Người Nhật cũng chỉ leo cho có trải nghiệm một vài lần ít ỏi trong đời mà thôi. Núi Phú Sĩ được cây cối bao phủ dày đặc từ bao đời nay. Người Nhật sinh sống gần biển chứ tuyệt đối không lên núi làm nhà. Họ để những ngọn núi được thiên nhiên bảo vệ nên núi linh thiêng vì quá trong lành. Những nguồn nước từ khe núi chảy xuống được người dân sống ở chân núi trữ thành hồ, dùng để muối các loại dưa rau củ rất bổ dưỡng.

Vì sao họ tự loại mình khỏi cuộc chơi?

Dường lên núi cây cối đã ngã sang màu vàng và màu đỏ của mùa thu đặc trưng Nhật Bản, sương mù giăng kín, mưa rơi nhịp nhàng. Cảnh trí khi nhìn bằng mắt thật cho tôi cảm giác buồn thê lương mà không hề là lãng mạn và đa tình như khi nhìn các tấm poster quảng cáo du lịch. Anh trưởng đoàn cho biết tỷ lệ tự tử ở Nhật thuộc loại cao nhất thế giới (hơn 30.000 người/năm). Và núi Phú Sĩ là địa điểm đón nhận những cái chết trong vô vọng đó nhiều nhất nước Nhật. Cho nên, đường lên dốc núi nghe rờn rợn như có hồn ma bóng quế lượn lờ cùng lên. Người Nhật khi tự tử thường lên núi, vào những khu rừng hoang sơ dọc theo triền núi, tìm một góc cây nào đó ngồi xuống ngẫm sự đời. Càng ngẫm càng ngán, ngồi hoài ngồi mãi, lịm dần rồi khắc khoải ra đi. Những người làm công tác kiểm lâm thỉnh thoảng vẫn tìm thấy những bộ xương khô của những linh hồn vô vọng trong tư thế ngồi dựa gốc cây. Những linh hồn lạc đó dệt nên những câu chuyện ma buồn rũ. Tôi thấy làm người Nhật sao mà khổ quá, nhiều áp lực, lắm trách nhiệm, cuộc đời buồn nhiều hơn vui. Ông Trời cho tuổi thọ người Nhật thuộc loại cao nhất thế giới, nhưng thật trớ trêu làm sao, chính họ lại tự tìm đến cái chết vì nhiều lý do. Tôi nghĩ có thể người Nhật có tinh thần tự trọng quá cao, họ không chấp nhận thất bại, không cam lòng làm người sa cơ. Nên cuộc đời thăng trầm, lúc lên voi không nói làm gì, nhưng gặp ngày xuống chó, họ chọn cái chết như một cách ra đi, tự loại mình ra khỏi cuộc chơi. Đó là tôi nghĩ chủ quan dọc đường lên Phú Sĩ vậy thôi, chứ tôi không có nhiều thông tin và các báo cáo thực trạng này nên không dám lạm bàn.

Ai hát giữa núi rừng?

Lạ một điều, trên đường lên núi, có một đoạn ngắn xe chạy qua người ta nghe được tiếng hát trầm bổng hòa trong không khí. Tiếng hát này kéo dài chừng 30 giây mà thôi. Anh Thọ nói nhiều người tin đó là oan hồn của những người tự tử ngân lên khúc bi ca. Giới khoa học thì chứng minh âm thanh đó được tạo ra do từ trường, tình cờ rơi vào đoạn đường đó. Tuy nhiên, khi xe chạy ngang, chỉ một nửa người trong xe của chúng tôi nghe thấy tiếng hát lạ. Họ tả lại tiếng hát như phát ra từ một dàn đồng ca, lên bổng xuống trầm như hát opera. Và họ nghe khá rõ. Tôi nằm trong số những người không nghe được nên khi xe từ trên núi cao trở ngược xuống, trước khi đến đoạn đường này tôi dặn anh Thọ nhớ báo trước để lắng tai nghe. Lần này cả xe 15 người đều nghe dàn đồng ca hát opera, riêng tôi chỉ nghe tiếng gió thu thoảng nhẹ. Tôi không hiểu lý do, tự nhủ chắc tầng số của tôi và của “những người hát” không tương đồng. 

Ở trạm dừng chân số 5, khách du lịch đông kinh khủng đang nháo nhào dưới làn mưa thu. Tôi nhận ra đa phần là người Trung Quốc. Họ làm huyên náo núi rừng vì giơ điện thoại đi động ra cố chụp hình trong màn sương mù dày đặc rồi thất vọng vì hình quá xấu chẳng thấy gì. Chúng tôi đi lòng vòng một chút, lạnh lập cập và ướt lướt thướt. Khi gần đến giờ tập trung phải xuống núi, chợt trời ngưng mưa, mây đen hé mở cho ánh chiều vàng khe khẻ rọi xuống. Sườn núi phủ tuyết mờ mờ hiện ra trong tiếng suýt xoa vui mừng vì cuối cùng cũng được diện kiến Ngọn núi thiên của dân tộc Nhật. Chúng tôi vừa kịp nhanh tay chụp vội vài tấm hình thì mây đen lại vén màn che phủ.

Thế rồi chúng tôi xuống núi trong tâm trạng nuối tiếc ngẩn ngơ. Tôi phải trở lại nước Nhật, tôi phải trở lại núi Phú Sĩ, tôi phải được nhìn thấy đỉnh núi phủ tuyết phản chiếu ánh mặt trời. Hình này chụp mô hình ngọn núi thu nhỏ, trên đó có ghi ngày hôm tôi chụp là ngày 14 tháng 11 năm vua Bình Thành thứ 27 (tính theo lịch Nhật Hoàng thì vua này tại vị được 27 năm, tức là năm 2015). Trời mù sương và mưa li ti. 

Dương Thụy (Dec 2015)