Ấn Độ: Taj Mahal, giọt lệ trên má thời gian

 Từ Delhi đi Agra chúng tôi được ngồi trên những đoạn đường cao tốc rất tốt (chắc là mới xây dựng) và ghé vào những trạm dừng chân rất ổn. Nhưng khi xe vào tới địa phận Agra, ngay lập tức tôi thấy cảnh nghèo nàn đập ngay vào mắt. Những dãy nhà tồi tàn, những cửa hàng tạp hóa nghèo nàn, người dân lam lũ… Xe đi ngang một công trình giống hệt Taj Mahal nhưng nhỏ hơn, mọi người nhao nhao hỏi “Taj Mahal đây phải không?” thì anh hướng dẫn viên đều giọng nói “Mini Taj” mà không cho thêm bất cứ thông tin nào.

Xe chạy ngang dãy tường thành đỏ rực, mọi người lại nhao nhao hỏi đấy là đâu thì hướng dẫn viên cũng lãnh đạm nói “Pháo đài Đỏ”. Nơi đây cách Taj Mahal chỉ chừng 2,5 km. Như trong chương viết về Pháo đài Đỏ ở Delhi, vua Shah Jahan là vua đời thứ 5 của triều đại Moghal. Pháo đài Đỏ ở Agra được lịch sữ ghi nhận là do triều đại trước đó với tên gọi Lodi xây dựng. Nhưng khi triều đại Moghal nắm quyền thì họ cho xây lại theo kiến trúc của họ. (Pháo đài Đỏ của Agra có nét hơi giống Pháo đài Đỏ tại Delhi).

Lịch sữ Ấn Độ ghi nhận nhiều trường hợp con ruột truất phế vua cha để giành ngôi báu. Và trường hợp của vua Shah Jahan là một trong những trường hợp nổi tiếng nhất. Vị vua này cho xây Taj Mahal nhưng trong 8 năm cuối đời, ông bị chính con trai ruột của mình giam trong Pháo đài Đỏ, cách Taj Mahal 2,5 km. Không biết người đời có vì quá thương cảm cho tình cảnh của ông hay không, mà họ viết thêm một tình tiết là vua Shah Jahan tuy bị giam cầm ở Pháo đài Đỏ nhưng được ở trong một căn phòng thuộc tháp Muasamman Burj có cửa sổ nhìn ra Taj Mahal. Nên 8 năm cuối đời trong cảnh ngục tù, ông có cái an ủi được nhìn ngắm công trình Taj Mahal của mình. Khi ông chết đi, người ta cho ông vào nằm bên cạnh ngôi mộ của người vợ yêu, hoàng hậu Mumtaz Mahal. 

 Gần sát Taj Mahal, có nhiều khách sạn năm sao sang trọng nằm rải rác, nhưng xen kẻ đó là những căn nhà đổ nát, những con bò thong dong, nhưng con la bị bắt kéo xe lê bước kiệt sức. Rồi tôi chợt thấy một phụ nữ ngồi giặt đồ bên vũng nước mưa đục ngầu.

Chúng tôi xuống xe bus, chia nhỏ thành từng nhóm để leo lên một loại xe chạy bằng điện để chạy vào sát Taj Mahal. Công trình lịch sữ này được xem là điểm thu hút khách du lịch hàng đầu Ấn Độ, mỗi năm có khoảng bốn triệu người đến tham quan, trong đó, số khách nước ngoài là 200 ngàn người. Đúng như con số thống kê, vì tôi nhìn thấy khách người Ấn Độ đông áp đảo số khách nước ngoài.

Tôi không biết vé cho người Ấn Độ là bao nhiêu nhưng cho người nước ngoài là 1.000 rupee (365 ngàn đồng VN) (tính luôn tiền xe bằng điện chạy vào sát bên trong). Sỡ dĩ phải sữ dụng xe bằng điện vì người ta muốn giảm lượng khói thải làm ô nhiểm cẩm thạch trắng của Taj Mahal. Hơi thở của khách tham quan cũng làm hư hại công trình này theo thời gian.

Chúng tôi được chia ra nam và nữ đứng riêng để xếp hàng vào cổng kiểm tra an ninh, hành lý chạy qua máy quét, người thì bị nhân viên rà bằng thiết bị tự động y hệt ở sân bay. Khách vào tham quan không được đem theo mỹ phẩm, thức ăn và các món lặt vặt khác có thể làm bẩn Taj Mahal. Khách chỉ được đem theo tiền, nước uống, passport, nón hoặc khăn đội đầu. Ngay khi vừa lọt qua cổng chính để nhìn thấy Taj Mahal lộng lẫy bên trong, khách tham quan nhốn nháo móc ngay máy chụp hình cố hết sức ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt với ngôi đền Tình Yêu.

 Vua Shah Jahal có ba người vợ nhưng đặc biệt yêu nhất hoàng hậu Mumtaz Mahal. Khi hoàng hậu sanh người con thứ 14, bà kiệt sức lịm dần. Vua Shah Jahal hứa bên gối vợ sẽ xây cho bà ngôi nhà lộng lẫy nhất trên thiên đàn. Đó chính là lăng mộ Taj Mahal. Ông cũng hứa sẽ không kết hôn nữa để vĩnh viễn nhớ đến bà. Hoàng hậu ra đi sau đó chừng 30 giờ, hạnh phúc với lời hứa về một ngôi đền chứng minh tình yêu của đức lang quân. Năm đó hoàng hậu mới 39 tuổi.

Taj Mahal vì thế, được gọi là ngôi đền Tình Yêu. Tôi không hiểu khi một người phụ nữ đã sanh tới đứa con thứ 14 thì có còn đẹp không. Với độ tuổi 39 mà đã có tới 14 lần sinh đẻ, trung bình bà phải sanh năm một và phải bắt đầu sanh đứa đầu lòng từ lúc còn rất trẻ. Ngày nay đàn ông (Việt Nam) sớm gọi vợ là Gấu chỉ sau hai lần sanh đẻ và hiếm có ông nào xây nổi cho vợ một cái biệt thự phố trước tuổi 39 của nàng. 

Vậy nên, đứng trước Taj Mahal lộng lẫy, trắng toát màu cẩm thạch trắng, lòng tôi không khỏi ngưỡng mộ, dành cho hoàng hậu Mumtaz và cho vua Shah Jahal. Ngưỡng mộ vì bà đã sanh tới lần thứ 14 mà vẫn còn được chồng yêu, ngưỡng mộ vì ông dù có tới ba người vợ và vô số thê thiếp vẫn một mực giữ lời hứa xây cho người vợ quá cố một ngôi đền tuyệt đẹp.

 Taj Mahal được xây ròng rã từ năm 16 31 đến 1653 thì hoàn thiện (sau 22 năm). Hình dáng ngôi đền có nhiều nét rất giống những ngôi đền Hồi Giáo khác tôi đã tham quan ở Delhi, nhưng Taj Mahal đặc biệt nhất vì được xây bằng cẩm thạch trắng, trường tồn với thời gian. Taj Mahal được xem là kiệt tác kiến trúc và được phong là di sản văn hóa thế giới, xứng đáng là viên ngọc quí trong kho tàng kiến trúc Ấn Độ và cả thế giới.  

Ai cũng muốn mình có một tấm hình thật đẹp với Taj Mahal làm phông nền nên du khách chen nhau chụp hình lộn xộn. Nhưng càng tiến sâu vào bên trong thì tôi thấy bớt chen lấn hơn và có nhiều chỗ để chụp hình hơn. Rất nhiều khách Ấn Độ đi theo nhóm chỉ toàn đàn ông với nhau, có nhóm nắm tay nhau thân thiết chụp hình chung, rồi họ còn phấn khích đến bên những du khách nước ngoài da trắng để xin được chụp với họ. Bất ngờ là tôi cũng là một trong những mục tiêu đó, họ đến bên tôi kéo tay muốn chụp chung với nhóm họ nhưng tôi từ chối. Tôi thấy những thanh niên đó không đáng tin cậy, biết đâu chụp xong họ… rao bán tôi trên mạng?

Càng tiến đến gần, Taj Mahah càng trông sừng sững. Điều này tôi không thể tưởng tượng được nếu chỉ nhìn ngôi đền này qua hình. Để xây nên Taj Mahal, lịch sữ ghi nhận có khoảng 20 ngàn người làm việc suốt ngày đêm trong suốt 22 năm ròng. Những nghệ nhân điêu khắc trên cẩm thạch đã truyền linh hồn mình vào những đóa hoa trắng, những họa tiết tinh xảo, những dòng chữ được đục đẽo công phu. 

 Vì đang làm việc trong ngành bất động sản, chứng kiến những công trình nhà ở được xây dựng vất vả ra sao dù trong thời hiện đại có nhiều kỹ thuật xây dựng tiên tiến, tôi không khỏi bàng hoàng ngước nhìn Taj Mahah vĩ đại. Một công trình tốn biêu bao sức người và sức của. Thời đó người ta ước tính Taj Mahal có chi phí xây dựng khoảng 320 triệu rupee (1 tỷ đô la Mỹ), nếu xét về khả năng tăng giá của bất động sản, sau 360 năm Taj Mahal có giá trị bao nhiêu?

Câu trả lời là vô giá!

Chúng tôi được yêu cầu bọc giày lại bằng những miếng bọc phát sẵn trước khi lên đền (người Ấn Độ thích cỡi giày đi chân trần hơn). Người ta cho tôi biết cách nay 10 năm, khi đi thăm đền tất cả các du khách đều phải cỡi giày đi chân trần. Gặp thời điểm mùa hè nắng nóng, bước chân trần trên nền đá cẩm thạch là một thử thách lớn.  

Những bậc thang cẩm thạch để leo lên đền được bọc gỗ bao lại, người ta giải thích vì không muốn chân người bước trực tiếp lên làm tổn hại đền. Tôi nhìn xuyên qua các kẻ gỗ thấy rằng những bậc thang cẩm thạch đã hao mòn trước khi người ra kịp nghĩ ra biện pháp bọc gỗ bên trên. 

Cẩm thạch trắng là một vật liệu nặng, đền lại cao sừng sững, nên trong quá trình xây dựng, có hơn 1000 con voi được điều đến vận chuyển. Vậy thì để công bằng, phải nói rằng Taj Mahal đã được xây lên bằng 20 ngàn sức người và một ngàn sức voi. 

Một điều gây tranh cãi là tin đồn sau khi xây xong Taj Mahal, những ai có tham gia vào việc xây dựng, bao gồm luôn kiến trúc sư trưởng người Ba Tư (Iran) tên là Ustad Ahmad Lahauri và toàn bộ 20 ngàn công nhân – nghệ nhân bị giết chết hoặc chặt tay để tránh tình trạng “sao chép” một công trình đẹp thứ hai. Vì thời đó chưa có chuyện “đăng ký bảo hộ độc quyền”.

Tuy nhiên, giới hướng dẫn viên ngày nay cho rằng thông tin này quá sốc, có thể làm du khách đang từ trạng thái ngưỡng mộ chuyển sang phẫn nộ đối với “chủ đầu tư” là vua Shah Jahan nên người ta “nghĩ rằng” 20 ngàn người đó chỉ phải ký cam kết “không sao chép dưới mọi hình thức” mà thôi.    

Cá nhân tôi, tôi tin vào giả thuyết “ký cam kết” hơn. Vì Taj Mahal khó mà bị nhái hoàn toàn, do độ vĩ đại của ngôi đền này. Khó mà có được một “chủ đầu tư” thứ hai ngoài vua Shah Jahan, người có đủ quyền lực để huy động nhân công, tình hình tài chính dồi dào, động cơ xây dựng cao cả (vì Tình Yêu lúc nào cũng cao cả) và quan trọng nhất là tính kiên nhẫn và kiên định trong những công trình được gọi là kiệt tác kiến trúc, cần đến 22 năm để hoàn thành.

Mỗi một công trình luôn có một cái duyên riêng để xây nên, vì thế, không phải ai muốn sao chép cũng thực hiện được. Tôi nghĩ vua Shah Jahan thừa thông minh để biết điều đó. Và cho đến ngày nay, với kỹ thuật xây dựng tiên tiến, cũng chẳng ai có gan xây nên một ngôi đền Tình Yêu tương tự như Taj Mahal.  

Tôi đứng ngắm những đóa hoa được chặm nổi trên nền cẩm thạch trắng và những đóa hoa màu đỏ bằng đá quý được khắc vào phông nền trắng, nghĩ cái xứ Ấn Độ thật lạ kỳ. 360 năm trước người ta kỳ công như thế để chạm khắc những đóa hoa cẩm thạch trắng cho ngôi mộ của một hoàng hậu, trong lúc người dân bình thường đang sống trong nghèo khổ. 360 năm sau người ta vẫn đến chiêm ngưỡng ngôi mộ hoành tráng, trong khi ngay bên ngoài cửa vẫn là cuộc sống của người dân khổ nghèo. 

 Ở Ấn Độ, không có sự ganh tị, không có lòng uất hận. Sinh ra trong đẵng cấp cao thì mãi mãi phú quí, sinh ra làm đẵng cấp thấp thì mãi mãi bị miệt khinh. Số phận ai nấy hưởng, mình trả cái nghiệp (karma) của mình cho xong, không đau lòng, không xót dạ. Chính vì lẽ đó mà Taj Mahal đã được xây nên và luôn được ca ngợi. Không bị lâm vào cảnh dân nghèo nổi dậy đập phá hay cạy ra lấy những mảnh đá quí được nạm khắp nơi.

Theo tài liệu xây dựng, có khoảng 28 loại đá quí được nạm khảm lên Taj Mahal. Các loại đá quí này được tuyển chọn từ Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Quốc… Vào thời nước Anh đô hộ Ấn Độ vào thế kỷ thứ 19, lính Anh có “chôm chỉa” ít nhiều những miếng ngọc và các hạt đá quí ở đền. 

Sau khi đứng mân mê những đóa hoa trắng cẩm thạch ở bên ngoài, tôi theo dòng người bước vào bên trong. Trước khi bước vào, những nhân viên đứng đó nhắc chừng “Không được chụp hình, không được quay phim, không được chiếu đèn!”, đặc biệt họ nói luôn “Coi chừng móc túi”. Khi tôi bước vào thì phát hiện bên trong tối đen hoàn toàn, người ta sợ ánh sáng làm hư đền hay sợ làm kinh động hai ngôi mộ của vua và hoàng hậu? 

Một số nhân viên chiếu những chiếc đèn đặc biệt lên những đóa hoa khảm ngọc, cho thấy ngọc đổi sang màu khác. Khách tham quan ồ lên trầm trồ. Lờ mờ trong ánh sáng đó, tôi thoáng thấy hình dáng hai ngôi mộ. Tuy nhiên theo tài liệu đọc được, vua và hoàng hậu được chôn sâu dưới lòng đất, chỗ đặt nền móng ngôi đền. Linh hồn họ thoát ra, bay lên trú ở hai ngôi mộ cẩm thạch này. Rồi sau đó linh hồn tiếp tục thoát qua trần của ngôi đền, bay lên Thiên Đàn.

Vậy cho nên, Taj Mahal không phải là một cái lăng mộ, mà đó là một ngôi đền để tưởng nhớ, vì linh hồn không còn nằm ở đây nữa. 

Chúng tôi thoát ra bên ngoài, ai cũng kiểm tra lại bóp ví, hy vọng trong quá trình đi vòng quanh bên trong tối thui, bị áp sát bởi nhiều người lạ mà không bị móc bớt cái gì.

Ở sân sau Taj Mahal, khách tham quan ngồi bệt xuống nền đá cẩm thạch mát rượi nghỉ chân. Gió hiu hiu từ bờ sông Yumana thổi đến, cảnh vật thanh bình và lãng mạn. Tương truyền, trong quá trình xây dựng, vua Shah Jahan luôn đến giám sát công trình, ông thường đi bằng thuyền trên sông Yumuna chãy phía mặt sau của Taj Mahal. 

 Đứng ở đây tôi có thể ngước mắt nhìn kỹ một trong bốn cây cột của Taj Mahal. Người ta nói bốn cột này được canh rất kỹ để nếu bị ngã, cột không đè lên đền. Hôm đó có một cây cột đang làm công tác bảo trì, người ta dựng giàn giáo xung quanh làm mất đẹp đi.

Đi vòng phía sau đền Taj Mahal tôi cũng được chiêm ngưỡng những cái lăng nhỏ khác xây rất đẹp bằng đá sa thạch đỏ. Những bà vợ khác và thê thiếp của Shah Jahan được chôn ở những lăng nhỏ này. 

Cuộc đời được mất vô thường, vua Shah Jahan thế rồi lại bị chính con trai ruột là Aurangzeb truất ngôi vào năm 1658 (năm năm sau khi Taj Mahal hoàn thành), ông bị biệt giam trong Pháo đài Đỏ cách đó 2,5 km. Ông trải qua 8 năm cuối đời ngước nhìn Taj Mahal qua song cửa sổ của nhà tù. Ông có phẫn nộ không, hay ông cũng chỉ xem là cái nghiệp ông phải trả?

 An ủi phần nào khi ông qua đời, người ta cũng cho ông được chôn cất trong Taj Mahal, bên cạnh người vợ yêu dấu Mumtaz Mahal của mình.

 Chúng tôi đi bộ ra khỏi đền, ngồi nghỉ chân dưới một tán cây xanh tránh nắng. Tôi ngước mắt nhìn ngược vào đền một lần nữa, nhớ nhà thơ Tagore vĩ đại của Ấn Độ đã ví Taj Mahal là “giọt lệ trên má thời gian.” 

 

 “Hello!”, bên tai tôi chợt ai đó thì thào và một bàn tay cào nhẹ vào hông.

Tôi giật mình đứng phắt dậy, theo bản năng sợ bị móc túi, tôi bỏ đi một hơi qua gốc cây bên kia đứng. Thế rồi tôi tò mò nhìn ngược lại người đã Hello mình. Thì ra đó là một cô bé chừng 17 tuổi với ánh mắt đen láy rất xinh đẹp, có phần lém lỉnh và tò mò muốn làm quen với người lạ. Tôi mỉm cười, đưa tay vẫy chào từ xa với em. 

Rồi khi tôi chào tạm biệt để đi hẵn, cô bé nhìn với theo, cười tươi tắn rất xinh đẹp và dễ thương. Tự nhiên trong tôi vụt lên hình ảnh hoàng hậu, biết đâu cô bé này là Mumtaz Mahal trở lại?

Bật cười với ý nghĩ của mình, tôi rảo bước dưới ánh nắng chói chan đi ra xe. Ở cái xứ Ấn Độ này, người ta tin vào luật luân hồi và những chuyện “người từ năm xưa trở lại” nhiều lắm…

Dương Thụy (Nov 2016)