Ấn Độ: Jantar Mantar
Jantar Mantar nói một cách tóm gọn, là một đài quan sát thiên văn được xây từ năm 1724. Jantar Mantar là một trong năm công trình thiên văn được Maharaja Jai Singh II của xứ Jaipur xây nên. Jantar Mantar là một tổ hợp có 13 công cụ kiến trúc thiên văn. Mục đích xây đài quan sát thiên văn Jantar Mantar vì Maharaja Jai Singh II muốn kết hợp những bản biểu thiên văn và dự đoán sự xê dịch, đồng thời đo giờ của mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao.

Cái tên Jantar Mantar có nghĩa là công cụ để tính toán. Các công cụ được xây bằng gạch tổ ong đỏ rồi trát bằng vôi bên ngoài. Các công cụ được bảo trì và sửa chữa đúng thời hạn mà không làm tổn hại cấu trúc chính. Bên trong khuôn viên Jantar Mantar này, tôi thấy có bốn công cụ chính được đề tên là Samrat Yantra, Jai Prakash, Ram Yantra và Misra Yantra.

Trên các bảng ghi chú, tôi đọc được là Maharaja Jai Singh II của xứ Jaipur còn xây bốn đài quan sát thiên văn khác ở những tỉnh khác khắp Ấn Độ để đo lại lịch và theo dõi các bảng biểu thiên văn. Tôi đi tới đi lui nhìn ngắm các công cụ tính toán. Dù có bảng ghi chú giải thích và vẽ hình để du khách mường tượng: mặt trời chiếu vào đâu, tạo nên vạch gì, từ đó hiểu được sự xê dịch của các hành tinh ra sao…

Khi quan sát các công cụ này trong cùng một ngày, người ta sẽ thấy bóng nắng di chuyển để xác định giờ, thấy nước từ hào chảy ra theo từng cấp bậc của hệ thống những bậc thang để xác định lực hút của mặt trăng… Trình độ của tôi nhìn những công cụ này thì không hiểu gì cả, tôi chỉ có một lòng ngưỡng mộ khi nhìn những bậc thang, những rãnh hào, những hàng cột… được xây một cách tỉ mỉ, chính xác từng chút một.

Người Ấn Độ không phải vô cớ mà được thế giới nhìn nhận là một dân tộc trí dũng hơn người. Và xứ Ấn Độ là một trong những cái nôi văn minh của loài người.

Và Jantar Mantar không phải vô cớ mà nằm trong danh sách các trang Du lịch Ấn Độ khuyên nên đến tham quan. Vậy thì 200 rupee vé vô cửa coi như rất xứng đáng.
.jpg)
Dương Thụy (4 Nov 2016)