Những chú bé Ấn Độ ở pháo đài Đỏ (Red Fort)

Pháo đài Đỏ nằm ở khu vực phố cổ Old Delhi. Khi bước chân vào khuôn viên rộng lớn này tôi thấy có nhiều cảnh sách bồng súng đứng gác. Ấn tượng đầu tiên của tôi với pháo đài Đỏ là độ rộng bát ngát và sau đó dĩ nhiên là màu đỏ như tên gọi. Để được vào bên trong chúng tôi phải đi bộ dọc theo bức tường thành bên ngoài để đến cổng chính có bán vé. Con đường bao quanh rất sạch sẽ và vắng người (chắc cũng vì lúc đó còn sớm). Một điều rất đáng khen vì chính phủ Ấn Độ giữ gìn các di tích khá tốt. Bên trong khuôn viên được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, không bị xả rác vô tội vạ như ngoài phố.

Trong khi đi bộ khá mệt vì con đường bao quanh quá dài, tôi bắt gặp một gia đình trẻ Ấn Độ cùng đi viếng pháo đài Đỏ. Người Cha chừng 35 tuổi đi trước, anh vác trên vai một ba-lô to và xách đều trên hai tay hai chiếc va-ly. Trông anh rất khệ nệ vì tổng số hành lý chắc cũng phải trên 30 kg. Đó là hành lý của cả gia đình. Tôi có phần tội nghiệp cho anh, vì anh không có va-ly kéo, phải xách nặng và đi một quãng đường dài.

Hai đứa con trai của anh đi giữa, một bé chừng sáu tuổi, một bé chừng bốn tuổi. Hai anh em nắm tay nhau tung tăng nói cười. Giọng cười của các bé thật trong trẻo, gương mặt các bé sáng bừng. Hẳn các bé đang rất vui mừng được đi chơi ngày hôm nay. Lúc đó mặt trời đã lên cao nhưng hai bé vẫn còn đang mặc áo len và chân đi dép kẹp. Tôi đoán gia đình này từ một tỉnh nào đó lên thủ đô chơi, vì thế từ bến xe, người cha vác hết hành lý đi theo để vào tham quan pháo đài Đỏ. Họ khởi hành từ lúc sáng sớm hoặc từ lúc tối mịt, khi trời còn lạnh nên các con được mặc áo len.

Người Mẹ đi cuối cùng, trên tay bế một em bé trai chừng 10 tháng tuổi. Chị cũng trông rất khệ nệ vì một vai đeo giỏ và bế con, một tay xách theo một túi đồ nặng. Chị mặc một bộ áo trùm đầu màu đen phủ xuống tận gót. Vì thế, tôi đoán gia đình này đạo Hồi.

Gia đình nhỏ Ấn Độ vì phải khệ nệ bê hành lý nên đi khá chậm, vừa đi vừa dừng chân nghỉ. Tốc độ đi của họ bằng của chúng tôi, vì chúng tôi cũng vừa đi vừa dừng lại chụp hình. Nhìn các bé trai hồn nhiên vui vẻ nói cười vì được đi chơi tôi thấy lòng rộn lên một niềm vui khó tả. Nhưng nhìn Cha và Mẹ các bé điều kiện kinh tế có vẻ khiêm tốn tôi lại chạnh lòng. Trong ba-lô tôi lúc đó có nhiều bánh kẹo và nước đem theo, tôi rất muốn lấy ra cho các bé trai vì thấy các bé đi bộ khá mệt dưới trời nắng mà không được ăn uống gì. Nhưng ánh mắt họ nhìn chúng tôi không thiện cảm. Có thể họ không muốn bị những người ngoại quốc thương hại. Vì thế, tôi không dám nhìn họ lâu, cũng không dám lấy bánh kẹo ra cho các bé trai, sợ rằng đó là một hành động tiêu cực.

Trước khi đi Ấn Độ tôi tìm đọc khá nhiều sách báo nên biết rằng người Ấn Độ khi tiếp xúc với ai cũng không thoải mái. Họ muốn biết địa vị, đẵng cấp, tôn giáo của người đối diện trước, sau đó sẽ cân nhắc để có thể trò chuyện một cách phù hợp. Đối với người nước ngoài, họ mang một mặc cảm vừa tự tôn vừa tự ti rất phức tạp. Chỉ có những người Ấn Độ thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài hoặc ra nước ngoài sống mới có thái độ thoải mái hơn. Giống như trường hợp cặp vợ chồng Ấn Độ lớn tuổi chúng tôi gặp ở sân bay Tân Sơn Nhất và người đàn ông Ấn Độ làm việc ở Trung Quốc, ngồi chung với chúng tôi trên chuyến bay Bangkok-Delhi.

Đi bộ hết đoạn tường thành dài dằng dặc. Cuối cùng chúng tôi cũng tới được cổng có bán vé. Giá vé cho người Ấn Độ chỉ là 15 rupee nhưng cho người nước ngoài là 500 rupee (tương đương 183 ngàn đồng). Lúc đó khoảng 10 giờ sáng nhưng du khách là người Ấn Độ rất đông, người nước ngoài chỉ lác đác.

Bên trong pháo đài Đỏ, chúng tôi thấy gì để đáng với cái giá 500 rupee?

Kiến trúc Mughal của pháo đài Đỏ

Pháo đài Đỏ rộng bát ngát với tổng diện tích là 103 ha. Tổng số tường thành bao quanh pháo đài là 2,41 km. Chiều cao bức tường thành từng đoạn có khác nhau, từ 18 đến 33 mét. Pháo đài được xây bằng đá sa thạch đỏ và bên trong có nhiều nơi bằng cẩm thạch trắng. “Chủ đầu tư” của pháo đài Đỏ là hoàng đế Shah Jahan (vị hoàng đế thứ 5 của triều đại Mughal).

Shah Jahan cũng chính là người cho xây ngồi đền trứ danh Taj Mahal ở tỉnh Agra. Năm 1648 ông dời đô từ Agra về Delhi nên cho xây pháo đài Đỏ này ở Delhi (ở Agra ngày nay vẫn còn một pháo đài Đỏ). Hoàng đế Shah Jahan được lịch sữ ghi nhận là người đam mê các công trình kiến trúc hoành tráng nên dưới thời của ông có nhiều công trình được xây nên (trong đó, nổi tiếng nhất là Taj Mahal). UNESCO đã công nhận pháo đài Đỏ ở Delhi là di sản văn hóa thế giới từ năm 2007.

Được xây từ thế kỷ thứ 16 nhưng cấu trúc xây dựng của pháo đài Đỏ rất vững chải và được duy trì cho đến ngày nay trong một điều kiện còn khá tốt. Pháo đài nằm bên dòng sông Yumuna và nước sông được dẫn cho chảy vào hào bao quanh, tạo sự tách biệt với thế giới bên ngoài khi có kẻ thù đến.

Pháo đài có lối kiến trúc xứ Mughal (mang phong cách pha trộn giữa Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Hồi Giáo) với các mái vòm có đỉnh nhọn lên phía trên và các họa tiết những cành hoa nạm vào đá cẩm thạch trắng. Tuy pháo đài rộng bát ngát mênh mông, lịch sữ ghi nhận công trình này được hoàn thành chỉ trong 10 năm. (Sau đó ít ngày tôi đi Agra tham quan đền Taj Mahal thì thấy quả hai công trình này có phong cách giống giống nhau, đền Taj Mahal tốn đến 25 năm để hoàn thành).

Vì pháo đài quá rộng, chúng tôi đi bộ một chập thì bỏ cuộc vì cũng chỉ thấy những bức trường thành chạy dài ngút mắt. Tôi thấy một số vị du khách phương Tây cũng bỏ cuộc, vì trời nóng lên, đi bộ không dễ dàng gì. Họ thấy tôi cũng đứng rên mệt và nóng thì cười đồng tình rồi nói “Pháo đài Đỏ rất ấn tượng, nhưng dành cho ai yêu khảo cổ hay nghiên cứu kiến trúc cổ. Và giá vé vào xem cũng cao quá!”

Lúc đứng chờ mua vé, tôi vẫn còn thấy gia đình nhỏ của những chú bé Ấn Độ dễ thương. Nhưng rồi sau đó mất dấu. Tôi tự hỏi các chú bé bốn tuổi và sáu tuổi làm sao đi bộ nổi trong pháo đài rộng lớn này. Rồi người Cha khệ nệ bê hành lý, người Mẹ nặng nề bế em bé và xách giỏ nặng, họ làm sao đi xa được? Gia đình họ muốn con cái đi chơi một chuyến, nhưng chọn pháo đài Đỏ có lẽ không thích hợp lắm.

Không hiểu sao, rời pháo đài Đỏ, tôi không còn nhớ gì nhiều về kiến trúc ngoài tiếng cười vui tươi của hai chú bé Ấn Độ. Ánh mắt sáng lấp lánh, đôi bàn tay nắm chặt, hai anh em đã nói với nhau điều gì mà giọng cười hân hoan thế?

Người ta nói với tôi người Ấn Độ rất biết chấp nhận cuộc sống để tìm thấy hạnh phúc theo cách của mình…