Nhận diện Việt kiều khi du học
Việt kiều thường mang trong người một “mặc cảm”, họ cứ thắc mắc “Sao tôi cố ăn mặc như người trong nước mà mỗi lần về Việt Nam vẫn cứ bị mấy bà bán hàng chém đẹp?”. Tài hơn, không những bị “nhận diện” là Việt kiều, người trong nước còn phân biệt được đâu là Việt kiều Mỹ, đâu là Việt kiều Châu Âu. Này nhé, dân ở Mỹ thường trang điểm đậm, ăn mặc khá nổi và nhìn có phần “lạ mắt”, mở miệng ra thường chêm vài ba chữ tiếng Anh. Còn dân bên Châu Âu về thì ngược lại, tóc tai, quần áo đơn giãn đến mức đôi lúc như “Tây ba lô”, họ rất ít trang điểm hoặc dùng son phấn rất khéo. Khác với Việt kiều Mỹ thường hay ca ngợi vùng đất bên kia bờ đại dương, Việt kiều Châu Âu có vẻ dè dặt hơn và hay ấm ức “Tưởng tụi này sướng lắm hả? Thất nghiệp đầy!”. Sau hai lần có may mắn mục sở thị và được hưởng một trong bốn diễm phúc trên đời là “xa quê hương ngộ cố tri”, tôi mới đôi phần tỏ tường về họ, cộng đồng người Việt tại Châu Au.
Nhận dạng:
Nếu như Pháp được Tổ Chức Du Lịch Thế Giới xếp hạng là nước thu hút khách du lịch hàng đầu và là trung tâm văn hóa-văn minh của toàn Châu Âu thì Việt kiều tại Pháp cũng xứng đáng là cộng đồng người Việt qui tụ đông đúc nhất và nổi bật nhất. Không cần vào quận 13 là khu phố của người Châu Á, ở bất kỳ đâu tại Paris, từ dưới hầm xe điện ngầm đông đúc đến … tuốt trên đỉnh tháp Eiffel lộng gió bạn cũng có thể bắt gặp một người tóc đen, mắt to trung bình “một mí rưỡi”, mũi không quá tẹt cũng chẳng được cao, làn da có màu vàng vừa phải không được sáng như dân Nhật cũng không đến nổi sậm như người Mã Lai. Vậy thì còn nghi ngờ gì nữa, đồng hương đó, sáp vô nói tiếng Việt đi. Nhưng mà coi chừng “hố to”, đôi khi tôi cũng bị “lộn hàng” với người Thái Lan hay Trung Quốc. Muốn chắc ăn tôi hay có chiêu lầm bầm nói chuyện một mình theo kiểu “Mấy giờ rồi?”, “Chà, hôm nay trời lạnh quá!”, “Đi đường này không biết có đúng hay không?”. Nếu người da vàng đó quay sang nhìn và khẻ hỏi “Việt Nam?” thì coi như chắc cú. Nhưng có khi câu chuyện chỉ dừng lại ở đó vì không phải người Việt nào ở Paris cũng thích trò chuyện với đồng hương. Lần đến Paris đầu tiên, do đã quen với sự vồn vã của các cô chú Việt kiều ở Brest, tôi vô cùng hụt hẩng khi chạm phải sự lạnh lùng của những người Việt sống ở thủ đô.
Ngoài nước Pháp là nơi đón nhận nhiều dân Việt nhất, ở bất kỳ đâu tại Châu Âu dù là các nước Bắc Âu lạnh lẻo như Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch hay các nước miền Nam có nền kinh tế khó khăn như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cũng đều có sự hiện diện của nòi giống con rồng cháu tiên. Trong một tiệm bán thức ăn nhanh Mc Donald ở Amsterdam, do ỷ y không ai hiểu tiếng Việt, tôi và nhỏ bạn thân đang bô bô kể chuyện tiếu lâm hơi bị “nặng đô” và cười khằng khặc rất tự do thì một phụ nữ tiến lại rụt rè “Hai em là Việt Nam?”. Khỏi phải nói cũng biết tụi tôi xấu hổ đến chừng nào. Chị Việt kiều đó do đi cùng chồng là người Hà Lan, lại ăn mặc như dân địa phương nên tụi tôi không để ý. Lần khác ở trước cửa hàng bán đồ lưu niệm tại Berlin, tôi chắc lưỡi hít hà khen cái áo thun đẹp quá mà cũng mắc quá không đủ tiền mua, tiện thể tôi … chưởi đổng một câu bằng tiếng mẹ đẻ và liền ngay sau đó một khuôn mặt Châu Á trong cửa hàng lú ra “Người Việt hả? Ở đâu qua đây?”. Tệ nhất là ở Thụy Sỹ, khi đi xe bus ở Genève chị họ tôi là con lai đi cùng bảo không cần mua vé. Lòng cứ lo ngay ngáy nên tôi nói với chị bằng tiếng Việt “Rủi tụi soát vé lên thì bị phạt bao nhiêu? Mà còn quê nữa!”. Một người đàn ông trung niên ngồi ở hàng ghế phía trước quay lại “Đi lậu hả?” làm tôi ngượng chín người. Thì ra là đồng hương, hiểu nhau quá nên chú ấy móc ví tặng cho hai cái vé. Lần ấy bà chị họ giận tôi tím mặt “Đã đi lậu còn la cho lớn!”. Ai có ngờ, tưởng không ai hiểu tiếng Việt.
Phân loại:
Cũng giống như người trong nước, cộng đồng Việt kiều ở Châu Âu dĩ nhiên cũng có nhiều thành phần. Tôi tạm thời phân một cách đơn giãn thành ba loại: rất trí thức (thường là dân du học sinh trước 1975), rất bình dân (đa phần ra đi bằng “đường biển”) và lớp trẻ sinh ra hoặc trưởng thành tại xứ người.
Đã là dân trí thức thì đi đâu cũng được coi trọng, đặc biệt với Việt kiều trí thức, được dân ngoại quốc của nước sở tại khâm phục lại càng quí hơn. Ở Rennes có cô Tuyết Ba, được cả thành phố bao gồm dân chúng và mấy vị chức sắc biết tiếng vì uy tín cá nhân rất lừng lẫy. Cô gốc người Huế, là cựu học sinh của “Couvent des Oiseaux” ở Đà Lạt (trường Tây rất nổi tiếng thời Pháp thuộc). Cô là dược sĩ và hiện là phó chủ tịch hội “Bretagne-Vietnam”. Cô góp phần không nhỏ trong việc làm từ thiện giúp đỡ đồng hương và làm cầu nối trung gian cho việc Huế –Rennes trở thành hai thành phố kết nghĩa. Cô là người Châu Á được “tụi Tây” rất nể và yêu mến vì ở cô vừa có sự quyết đoán mạnh mẽ của phụ nữ Châu Âu vừa có sự dịu dàng mềm mỏng không lẫn vào đâu được của phụ nữ Việt Nam. Tôi sẽ viết thêm về cô Tuyết Ba và hội “Bretagne-Vietnam” trong một bài khác vì cô là nhân vật được báo chí rất ưu ái. Báo “Ouest France”, tờ nhật báo có số phát hành cao nhất nước Pháp đã đặc biệt ra một ấn phẩm riêng 1000 bản dành tặng hội “Bretagne-Vietnam” nhân sự kiện hội tròn 10 tuổi.
Ngoài cô Tuyết Ba, ở Pháp nói riêng và ở Châu Âu nói chung còn rất nhiều nhân vật được dân địa phương yếu mến và kính trọng. Họ làm bác sĩ, giáo sư, kỹ sư, nha sĩ… Nhưng nếu không cực kỳ trí thức như những người này thì cũng còn rất nhiều gia đình thuộc dạng trung lưu, rất hiếu học và có nền nếp. Gia đình chú Hội-cô Liên ở Brest tuy có gốc trí thức nhưng khi sang Pháp vì phải lao vào cuộc sống mưu sinh, cô chú chọn nghề bán thức ăn Việt Nam. Tuy cuốn từng cái chả giò (nem) để bán nhưng cô chú đã nuôi bốn đứa con của mình người thành kỹ sư, người làm giáo viên, người là nhà tạo mẫu.
Thành phần không trí thức, thường là dân “boat people” (vượt biên) ra đi vì lý do kinh tế thì sống hơi co cụm. Nghề nghiệp phổ biến của cộng đồng này là làm nhà hàng. Dân Châu Âu rất mê thức ăn Việt Nam, đặc biệt là món “nem” trứ danh. “Restaurant Vietnamien” có mặt ở khắp nơi với những cái tên bị trùng lập như “Vịnh Hạ Long”, “Sài Gòn”, “Tre xanh”…. Thường khi hỏi một người Việt làm nghề gì để sinh sống sẽ được câu trả lời là “cuốn chả giò”. Tương đương với nghề “làm móng” của Việt kiều bình dân ở Mỹ. Ngoài nghề làm nhà hàng (bao gồm từ làm chủ đến làm bồi), còn một nghề phổ biến nữa đặc biệt dành cho phụ nữ là nghề “làm mẹ”. Các nước Châu Âu rất khuyến khích dân chúng sinh nở và ngược với Việt Nam khi sanh con đứa thứ ba sẽ bị phạt, chính phủ thưởng hậu cho những gia đình có từ ba đứa con trở lên. Chỉ cần làm bài toán đơn giãn để thấy là sanh cho đủ ba đứa con thì chỉ việc ngồi nhà nhận trợ cấp còn sướng hơn đi làm đầu tắt mặt tối.
Cộng đồng này không thích giao du với Tây, ghét Tây và chê Tây thậm tệ. Lý do rất dễ hiểu: họ không biết nói tiếng Tây. Vì lẽ không hội nhập được vào xã hội bên đây nên họ sống nép mình, ráng dành dụm tiền để lâu lâu về quê hương trả thù cho chuỗi ngày sống tự ti nơi đất khách quê người. Xuất phát từ tâm lý này, thú tiêu khiển của họ ưu tiên dành cho … cờ bạc. Nào là vô Casino với đủ loại máy móc và các trò chơi tìm thần Tài, nào là đánh cá ngựa hay mua vé số cào. Những người Việt kiều này ôm mộng làm giàu một cách nhanh chóng và dễ dàng để về quê hương mở hàng quán hay đầu tư buôn bán nhỏ. Đây là cộng đồng cần sự cảm thông nhất của đồng hương ở trong nước vì họ rất tự ti nên hay thể hiện ra bên ngoài khá tự tôn và là nguyên nhân của nhiều câu chuyện gạt tình, gạt tiền li kỳ hay xuất hiện trên báo Công An.
Thành phần thứ ba, là con em của hai thành phần kia, tôi gọi trang trọng là “giới trẻ”. Dù cũng tự xếp loại mình trẻ nhưng xem ra tôi không được thoải mái lắm khi tiếp xúc với những Việt kiều thế hệ thứ ba ở trời Âu. Giữa họ và tôi có quá nhiều khoảng cách. Với thành phần trẻ này. Tôi xin “no comment”, nhưng một nhân vật đại diện cho họ là “Vi Vi Lê” trong truyện “Oxford thương yêu” của tôi. Tuy vậy, hiện tại trong công ty tôi có khá nhiều Việt kiều trẻ về làm việc, có lẽ do họ làm việc tại Việt Nam nên thái độ rất lịch sự, khiêm nhường, khá dễ thương.


< previous page  next page >