Phỏng vấn trên đài của Úc: (by Vu Kim Anh)
Văn chương và quản trị.
Tôi tình cờ biết đến Dương Thụy qua truyện ngắn ‘Con gà biết nói tiếng Đức’. Khi đó, tôi mới chân ướt chân ráo đến Úc được vài tháng. Trong hành trang mang theo có cả vài tuyển tập truyện ngắn của các nhà văn trẻ. Đọc, ban đầu tôi thấy ngồ ngộ vì giọng văn của chị rất tự nhiên, cách diễn đạt như thể câu chuyện vốn dĩ là vậy. Càng đọc sâu thì càng nảy sinh mối đồng cảm.
Tên thật là Dương Thụy Phương Khanh, tác phẩm của chị được khá nhiều bạn đọc trẻ trong và ngoài nước biết đến với bút danh Dương Thụy. Sinh ra tại Sài Gòn với những gì rất đặc trưng của người miền Nam, Dương Thụy được nhận xét như thế này: “Cô có sự tự nhiên của người sở hữu các câu chuyện hay cùng sự tự tin của một người biết rộng và lịch lãm. Chính vì không cố ý, nên Dương Thuỵ có một giọng văn hồn hậu riêng biệt, một phong cách không thể trộn lẫn. Càng đọc Dương Thuỵ, tôi càng tin rằng cô là người kể chuyện giỏi: hài hước, tinh quái, giọng điệu có lúc thản nhiên tưng tửng rặt chất Sài Gòn…” (nhà văn Phan Hồn Nhiên).
Tốt nghiệp Cử Nhân văn chương Pháp tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, hoàn tất chương trình MBA tại Trung tâm Pháp-Việt đào tạo về quản lý nhưng Dương Thụy lại trở thành phóng viên của báo Sinh viên Việt Nam- Hoa Học trò. Sau lại nhận được học bổng của chính phủ Bỉ về chương trình MBA. Trở lại Việt Nam, chị chuyển hướng sang môi trường doanh nghiệp và làm cho tập đoàn Sanofi-Aventis với cương vị Giám đốc Truyền thông-Đối ngoại. Khi được hỏi liệu có sự mâu thuẫn giữa hai lĩnh vực văn chương và quản trị kinh doanh hay không, Dương Thụy cho biết: “Công việc hiện nay của Thụy vẫn đòi hỏi những kinh nghiệm và kiến thức về nghề báo cũng như các mối quan hệ tốt với giới báo chí. Tóm lại văn chương và quản trị không hề mâu thuẫn gì hết mà còn hỗ trợ tuyệt vời cho công việc hiện tại”.
Du học: Tinh thần cầu tiến và làm việc nghiêm túc.
Theo dõi suốt chặng đường đi của Dương Thụy, có thể thấy đồng hành cùng văn chương và công việc là những khóa tu nghiệp, du học ngắn hạn và dài hạn tại nhiều quốc gia như Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Bỉ. Chia sẻ những kỹ năng sống và học tập tại nước ngoài, Dương Thụy cho biết: “Điều quan trọng nhất là đừng để người nước ngoài có thành kiến và khi dễ mình. Việt Nam là một đất nước bé nhỏ. Vì vậy, khi có cơ hội sống, học tập và làm việc chung với người nước ngoài thì phải chứng tỏ là mình có một động lực lớn, tinh thần cầu tiến và làm việc nghiêm túc. Có một số người tận dụng cơ hội này để đi du lịch, đi chơi, mua sắm mà lơ là chuyện học. Có thể họ viện lý do là vì ngôn ngữ chưa đủ để học và làm việc chung với người nước ngoài. Tuy nhiên, mình không nên nói rằng vì tôi học theo không kịp và bỏ luôn mà phải cố gắng hết sức mình. Cho dù là mình không đạt được như người ta yêu cầu nhưng sự cố gắng hết sức của bản thân luôn được đánh giá cao.”
Trước khi chính thức nhập học chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Liège thuộc Bỉ sau một hành trình dài săn lùng học bổng, Dương Thụy đã trải qua vài khóa học ngắn hạn tại Pháp và Thụy Sĩ cũng như quá trình học tập và làm việc chung với người nước ngoài. Vì vậy, chị đã không gặp nhiều cú sốc văn hóa như một số du học sinh khác. Tuy nhiên, không nhiều không có nghĩa là không có. Khi đến Bỉ, điều đầu tiên khiến chị ‘hãi’ nhất là làm bài theo nhóm. Chị nhớ lại: “Sinh viên Bỉ thường không chào đón sinh viên nước ngoài gia nhập nhóm. Điều đó khiến Thụy rất buồn phiền. Dù là mình học giỏi hay cố gắng đến đâu (không hẳn là vô ích) thì cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, mình không thể đòi hỏi giáo sư phải thông cảm mà phải tự xoay sở làm sao để được vô một nhóm nào đó. Khi đã vào được một nhóm thì mình phải làm việc hết sức mình và tạo uy tín từ từ. Sau này có những nhóm khác họ nghe tên và biết mình học được thì dễ dàng hơn”.
Mời bạn nhấn Audio 1 để nghe Dương Thụy chia sẻ về những kinh nghiệm bản thân trong quá trình săn tìm học bổng du học.
Cuộc sống và tác phẩm.
Đi nhiều nơi trên thế giới với những trải nghiệm khác nhau, những câu chuyện của Dương Thụy tập trung vào cuộc sống du học ở xứ người hay giới trẻ làm việc tại sở Tây. Có thể kể tên vài tập truyện ngắn tiêu biểu như ‘Bồ câu chung một mái vòm’, ‘Hành trình của những người trẻ’, ‘Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình’ hay tập truyện dài đầu tay được rất nhiều bạn trẻ yêu thích - ‘Oxford thương yêu’. Những ai yêu thích tác phẩm của Dương Thụy có thể giao lưu với tác giả qua trang web http://duongthuy.net/
Hiện nay, bận rộn với công việc mới và cuộc sống gia đình nhưng Dương Thụy vẫn tranh thủ viết lách vào giờ nghỉ trưa hoặc cuối tuần, “vẫn ôm ấp vài kế hoạch tuy không rình rang, chưa dám nói nhưng vẫn đang thực hiện”. Và cái dự án đang ấp ủ ấy được bật mí đôi chút khi được hỏi là truyện ngắn hay truyện dài - “chắc là một truyện dài”.
Như lời nhà văn Phan Hồn Nhiên thì Dương Thụy vẫn hay chọn ‘tình yêu và cảm xúc’ làm xương sống cho những câu chuyện của mình. Vậy còn quan niệm tình yêu và ý nghĩa cuộc sống trong đời thường? “Nói về tình yêu thì Thụy rất đề cao sự chân thành, tôn trọng lẫn nhau và dĩ nhiên là có cả sự lãng mạn nữa. Khi đã có một tình yêu đẹp thì thành công trong nghề nghiệp sẽ đến dễ dàng. Tình yêu ở đây không chỉ gói gọn trong tình yêu nam nữ…”.
Mời bạn nhấn Audio 2 và 3 để nghe Dương Thụy nói thêm và tác phẩm ‘Oxford thương yêu’ và những sẻ chia về tình yêu, về cuộc sống.