PV với nhà thơ Lê Thiếu Nhơn (báo Kiến thức tiêu dùng)

"Tôi là một người dễ thương"

Dương Thụy đang là Giám đốc Truyền thông – Đối ngoại của tập đoàn dược phẩm Sanofi – Aventis tại Việt Nam, chị có bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, chị lại được yêu thích bởi những cuốn sách viết về giới trẻ như “Oxford yêu thương” và “Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình”. Dương Thụy cho rằng: “Văn chương có ý nghĩa rất lớn đối với tôi dù rằng chẳng bao giờ tôi nghĩ sẽ dành hoàn toàn thời gian cho việc viết lách. Tôi viết khi nào có chút thời giờ tranh thủ được. Thường tôi suy nghĩ và sắp xếp mọi thứ trong đầu. Chỉ cần đánh máy ra. Tôi không bao giờ có “thời gian chết” khi ngồi trên máy tính cả”
Nhà văn Dương Thụy bộc bạch: "Tôi sinh năm 1975 tại Sài Gòn và rất hạnh phúc được làm "người Sài Gòn" sau ngày đất nước thống nhất. Rất yêu văn chương và thích học ngọai ngữ, năm 1997 tôi tốt nghiệp Cử Nhân văn chương Pháp tại Đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Cảm thấy vẫn còn thiếu kiến thức để bước chân vào thị trường lao động, tôi tiếp tục thi vào Cao học ở Trung tâm Pháp - Việt đào tạo về quản Lý (CFVG). Sau hai năm học tôi có bằng MBA (thạc sĩ Quản trị kinh doanh) nhưng lại không đi làm cho doanh nghiệp mà trở thành phóng viên của báo Sinh Viên Việt Nam - Hoa Học Trò với mong muốn được "dấn thân". Đây là tờ báo tôi đã cộng tác từ hồi còn học phổ thông nên làm phóng viên đối với tôi không có bất cứ trở ngại nào. Trong thời gian này tôi xin được học bổng đi tu nghiệp về nghề phóng viên và cách quản lý một tờ báo của báo "Ouest-France" (Pháp). Hết hạn tu nghiệp trở về làm báo tôi cảm thấy mình còn khao khát kiến thức nhiều quá nên chủ động viết thư xin học bổng học cao học gởi đến một số đại sứ quán. Cuối cùng tôi được nhận học bổng của chính phủ Bỉ và có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của trường Đại học Liege năm 2002. Về Việt Nam tôi không theo nghề báo nữa mà sang môi trường doanh nghiệp nhiều thử thách hơn. Hiện tại tôi làm việc cho Tập đoàn dược phẩm Sanofi-Aventis tại Việt Nam với vị trí Giám đốc truyền thông - đối ngọai (Communication Director).
Về cuộc sống riêng tư, tôi lập gia đình vào tháng Giêng năm 2005 với người bạn trai sau chín năm quen biết. Hiện chồng tôi, anh Võ Sáng Xuân Vinh, làm việc ở một quĩ đầu tư. Tôi có một con gái tên Võ Sáng Phương An (ở nhà gọi lạ Chouchou – cục cưng) được hơn một tuổi"
Thế nhưng, người phụ nữ bận rộn có tên thật Dương Thụy Phương Khanh có nhiều điều đáng chia sẻ hơn những dòng tự nói về mình khiêm tốn như vậy. Cuộc trò chuyện này cũng tranh thủ những phút rãnh rỗi của chị.
PV: Hiện tại, chị là Giám đốc truyền thông – đối ngoại của Tập đoàn dược phẩm Sanofi – Aventis tại Việt Nam, chị có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh, chị lại được yêu thích bởi những cuốn sách viết về giới trẻ. Vậy có thể gọi chị với chức danh gì?
Dương Thụy: Tôi không mấy quan trọng chức danh, và cũng chẳng ai gọi tên tôi kèm theo chức danh cả.

PV: Thời gian gần đây, cây bút Dương Thụy được nhắc đến với "Oxford yêu thương" và "Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình". Hỏi thật, hai cuốn này mới viết hay viết lâu rồi?
Dương Thụy: Câu hỏi nghe có vẻ nghi ngờ nên phải nhấn mạnh thêm bằng "hỏi thật" (cười). Tôi viết "Oxford thương yêu" trong suốt cả năm 2006-2007, tháng 5/2007 sách xuất bản. Còn "Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình" là tập hợp những truyện ngắn tôi viết rải rác cũng trong khoảng thời gian 2006-2007.

PV: Chồng con và công việc thường ngày giúp ích hay cản trở chuyện viết lách của chị?
Dương Thụy: Hoàn toàn giúp ích. Tôi là người lạc quan mà! (cười). Thời giờ dành riêng cho viết lách rất hiếm hoi, tôi chỉ tranh thủ tối đa mà thôi. Nhưng tinh thần của tôi rất tốt vì tôi luôn vui vẻ.

PV: Văn chương ý nghĩa như thế nào với chị? Chị sắp xếp thời gian cho sáng tác như thế nào?
Dương Thụy: Văn chương có ý nghĩa rất lớn đối với tôi dù rằng chẳng bao giờ tôi nghĩ sẽ dành hoàn toàn thời gian cho việc viết lách. Tôi viết khi nào có chút thời giờ tranh thủ được. Thường tôi suy nghĩ và sắp xếp mọi thứ trong đầu. Chỉ cần đánh máy ra. Tôi không bao giờ có "thời gian chết" khi ngồi trên máy tính cả.

PV: Ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống bây giờ của chị?
Dương Thụy: Mọi thứ đều có giá trị với tôi, tôi yêu gia đình, công việc, bản thân mình và yêu những người xung quanh.

PV: Chị cảm thấy mình phù hợp với vai trò phụ nữ của gia đình hay phụ nữ của xã hội?
Dương Thụy: Tôi thấy mình phù hợp với cả hai vai trò. Chắc không chỉ mình tôi, người phụ nữ nào ngày nay cũng thấy mình thế cả. Chẳng ai chỉ vui thú với việc nội trợ, cũng chẳng ai muốn hoàn toàn cống hiến cho xã hội. Tôi tận dụng tối đa những giây phút dành cho gia đình, và cũng cố gắng làm việc thật hiệu quả những lúc bên ngoài.

PV: Nếu một độc giả không biết gì về "lý lịch" của chị, có thể đọc tác phẩm nào ký bút danh Dương Thụy để hiểu chị?
Dương Thụy: Nhiều người nhận xét tôi thuộc loại dễ hiểu. Nhưng thật ra có những vấn đề bản thân tôi còn chưa hiểu hết cá nhân mình. Tìm hiểu tôi thông qua tác phẩm là một việc không nên làm. Tôi không để lộ mình quá nhiều trong tác phẩm. Tôi thích rạch ròi nhân vật thuộc trang sách, tác giả là người "ngoài đời". Nhưng có lẽ khả năng "nhập vai" của tôi khá tốt nên rất nhiều người đinh ninh tôi là nhân vật của mình. Tôi không việc gì phải viết lại cuộc đời mình trên trang sách, rất mất thời gian. Có thể mấy chục năm nữa, khi tôi viết hồi ký chăng?

PV: Chị được nhiều bạn bè quý mến bởi sự ham học, ham học đến mức..phiêu lưu suốt bao nhiêu năm ở các quốc gia khác nhau. Kinh nghiệm của chị về sự tìm kiếm tri thức?
Dương Thụy: Tôi không hề phiêu lưu suốt bao nhiêu năm ở các quốc gia. Tôi chỉ học nhiều nhất là 1 năm hệ Cao học ở Bỉ, mấy khóa kia thì vài tháng. Còn lại là đi công tác, đi du lịch. Tôi thấy rất xấu hổ vì mọi người cho là tôi ham học. Thật sự tôi rất lười. Tôi chỉ ham học những gì thú vị, những gì tôi thấy có ích cho cá nhân tôi. Không phải bất cứ kiến thức nào tôi cũng có thể nạp vào đầu. Vì thế kinh nghiệm tìm tri thức của tôi là "Học những gì mình thích"

PV: Đã đi và đã sống ở nhiều vùng văn hóa khác nhau, chị cảm nhận hai chữ "hạnh phúc" có gì khác biệt chăng?
Dương Thụy: Hạnh phúc tưởng rất cao xa nhưng tôi thấy rất đơn giản. Hạnh phúc không khác nhau giữa các vùng miền, mà khác nhau ở sự nhận thức của con người. Người nào cũng có quyền có hạnh phúc, dù nghèo khó hay giàu sang, dù học thấp hay học cao. Miễn họ thấy hạnh phúc là hạnh phúc. Người bên ngoài đừng lấy quan niệm hạnh phúc của mình gán cho người ta. Nhiều khi gậm nhấm "thú đau thương" lại là một cái thú, là hạnh phúc đó!

PV: Xưa nay "nhân vô thập toàn", chị nghĩ một người phụ nữ thành đạt cần có những yếu tố gì?
Dương Thụy: Tôi không phải là một phụ nữ thành đạt nên tôi không biết. Câu hỏi của anh tuy vậy đã tự trả lời rồi. "Nhân vô thập toàn", mỗi người có một thế mạnh và một điểm yếu riêng. Người giỏi sẽ biết cách để tối ưu hóa những thế mạnh và tối thiểu hóa những điểm yếu. Ngoài ra còn các yếu tố rủi ro, cái gọi là "số phận", là "duyên nghiệp"… Tôi nghĩ mình cứ làm hết sức mình, còn thì trời Thương bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Phúc phận của mình hôm nay là cả một quá trình dài trong những kiếp trước đó. Tôi rất thích câu "Mưu sự tại nhơn, thành sự tại thiên" và cả câu "Cứu mình trước khi Trời cứu".

PV: Một định nghĩa ngắn nhất về Dương Thụy?
Dương Thụy: Tôi là một người "dễ thương", chung chung thế thôi. Và đó là định nghĩa ngắn nhất.


  next page >