Thẳng thắn, tham vọng, mạnh mẽ và hài hước
1. Thẳng thắn, tham vọng, mạnh mẽ và hài hước – những phẩm chất tiêu biểu và khác biệt của thế hệ 8X – ở chị đều hội đủ. Nhìn lại mình 10 năm trước, chị có nghĩ, đó chính là những điểm làm nên con người thành công của chị hôm nay?
Thật sự tôi không đi tìm sự thành công nên không để ý phải làm thế nào để đạt được điều này điều kia. Tôi chỉ hồn nhiên làm việc và thành công nếu xét theo một nghĩa nào đó, đến với tôi một cách nhẹ nhàng. Còn về bản tính của tôi, quả thật tôi thẳng thắn đến mức đôi khi gây cảm giác “tồ” cho người đối diện. Người ta hay ngạc nhiên hỏi “Sao em dám nói vậy?” còn tôi lại ngạc nhiên hỏi ngược lại “Ủa, có gì mà không dám!?” (cười). Tôi tham vọng một cách “ngây ngô” nhưng rồi thời gian cũng giúp tôi thấy mình vẫn đạt được những mục tiêu tưởng đâu quá tầm. Tôi mạnh mẽ một cách ngộ nghĩnh, ví dụ như bị say xe rất trầm trọng mà thích đi du lịch bụi. Mỗi ngày trước khi vác ba lô lên đường tôi đã phải cẩn thận nuốt một viên chống say xe (cười). Còn hài hước ư? Nhiều lúc tôi không ý thức được tại sao mình nói rất nghiêm túc mà lại làm người ta cười. Ví như tôi luôn nghĩ mình rất thực dụng nhưng viết ra truyện nào cũng bị cho là quá lãng mạn. Tôi thấy mình thích tiền nhưng rốt cuộc lại nghèo nhất trong đám bạn cùng trang lứa. Hóa ra đó là phẩm chất của thế hệ 8X à? Nói vậy tôi trẻ lâu hoặc già muộn sao? Sướng quá! (cười)
2. Ở vị trí một người làm sếp, khi tiếp xúc với giới 8x, 9x, chị có thấy khoảng cách thế hệ của chị và họ? Phẩm chất nào của 8x và 9x khiến chị thấy đáng nể và cần phải học lại của họ? Những tính cách nào theo chị sẽ là rào cản sự phát triển của họ?
Hồi mới được làm manager, tôi là một trong những người trẻ nhất trong công ty. Lúc nào tôi cũng cố làm cho mình già đi để đừng bị ăn hiếp. Bây giờ đã có rất nhiều em trẻ hơn tôi cả chục tuổi vào công ty và họ rất chững chạc. Các em đó xét về mặt học thức thì đáng để tôi khâm phục và phải cố gắng đừng bị tụt hậu. Các em được học hành ở những trường quốc tế, được tiếp xúc sớm với Internet và được vào làm việc trong môi trường nước ngoài khi còn khá trẻ. Hiện giờ tôi chưa thấy thế hệ 8X và 9X có những rào cản phía trước. Chắc vì môi trường của tôi trong sạch và khá lành mạnh. Nếu có chăng, là sự háo thắng, mà điều này ai từng ở độ tuổi hai mươi cũng mắc phải.
3. Ngay thời điểm hiện nay, giữa 8X và 9X đã có nhiều khác biệt. Việc khó chấp nhận lẫn nhau luôn là vấn đề muôn thuở giữa các thế hệ. Theo kinh nghiệm riêng của chị, hai bên cần phải làm gì? (có thể đưa ví dụ ở đây)
Sự thật tôi không tiếp xúc nhiều với 9X. Nhưng giữa các em 8X và tôi (thế hệ 7X) tôi thấy hai “phe” khá hòa bình. Tôi chỉ hơn họ ở kinh nghiệm đi trước, còn mọi thứ hầu như “sêm sêm”. Tôi cũng năng động như họ, dù chắc họ thấy tôi chậm hơn (cười). Hoặc họ nghĩ họ cũng khôn ngoan như tôi, dù tôi thấy họ có phần ngây thơ hơn. Ở mỗi độ tuổi, có những thế mạnh và mặt yếu riêng. Người nào năng động thì già vẫn năng động, người nào “ỉu xìu” thì dù trẻ vẫn như cọng bún thiu. Tôi thích chơi với người trẻ hơn lẫn người già hơn, ở độ tuổi nào tôi cũng hòa hợp được nhờ bản tính rất “open” của mình. Tôi chẳng công kích và phê phán ai, ở người nào tôi cũng nhận ra điểm tích cực của họ, và tôi “bám” vào điều đó khi tiếp xúc với họ.
4. Chị thường cho rằng mình làm việc giỏi, nhưng chưa hẳn là “hưởng thụ” giỏi. Là người viết văn và từng làm báo, với quan sát của mình, chị có thể nói nhiều hơn về văn hoá “hưởng” của giới trẻ, sinh viên hiện nay, nhìn cả 2 mặt tích cực và tiêu cực?
Tôi làm việc giỏi và cũng hưởng thụ giỏi theo cách suy nghĩ của tôi. Ngoài những lúc làm việc căng thẳng, tranh thủ tôi vẫn enjoy với những hoạt động mà mình yêu thích. Còn “hưởng thụ” theo nghĩa nào khác thì tôi chưa hình dung ra. Các em trẻ gần quanh tôi cũng có cách hưởng thụ cuộc sống rất lành mạnh. Các em cũng thích để dành tiền đi du lịch, thích đọc sách, học ngoại ngữ… Một số em sống trong môi trường thiếu thốn từ nhỏ có thể suy nghĩ khác, rằng hưởng thụ là phải biết tìm nhiều tiền để mua nhà chung cư, ra riêng tách khỏi cuộc sống chung với gia đình, cặp bồ không cưới xin, mua xe máy đời mới, ăn mặc theo hàng hiệu… Tôi hơi cực đoan, tôi thấy lối “hưởng thụ” đó chỉ mang ý nghĩa tiêu cực, chẳng có một tí tích cực nào. Khi còn trẻ, hãy dùng sức trẻ để làm việc, cống hiến và thu lượm nhiều kinh nghiệm có ích. Hưởng thụ cuộc sống một cách lười vận động, sớm chi tiêu nhiều, mê tiền bạc vật chất thái quá sẽ làm chúng ta mất hết ý nghĩa cuộc sống.
5. Từng có thời gian làm việc ở tờ SV và HHT, chị có cho rằng có một số phẩm chất ưu việt hiện nay chị sở hữu là được ươm mầm trong môi trường làm báo cho người trẻ?
Tôi từng chọn nghề báo và tờ báo dành cho SV, học sinh với mục đích cụ thể: giúp tôi dấn thân và gần gũi với môi trường giáo dục. Về dấn thân: thời gian hai năm làm báo tôi đã đi công tác ở các tỉnh một cách rất “bụi đời”. Tôi ngồi xe đò, đi xe ôm, ở khách sạn bèo, ăn cơm bụi (cười). Tóm lại là những vất vả của nghề nghiệp tôi đã trải qua. Về môi trường giáo dục: tôi có dịp phỏng vấn và tiếp xúc với các giáo sư, thầy giáo, sinh viên ưu tú… những người làm việc rất nghiêm túc. Họ cho tôi niềm tin rằng chỉ bằng con đường tri thức người ta mới mong phát triển sự nghiệp của mình. Cũng bằng con đường tác nghiệp báo chí, tôi được sang Pháp thực tập trong báo Ouest France. Tại đây tôi càng có điều kiện tiếp xúc với những con người năng động, hết mình với công việc. Vào thời điểm năm 1999, nhà báo ở Việt Nam còn viết bài bằng giấy bút, thì ở Pháp người ta đã sữ dụng thành thục vi tính và các phần mềm hỗ trợ cho việc viết lách. Ở nước mình còn dùng máy chụp hình phim thì người ta đã “chơi” hàng digital từ đời nào. Khi tôi kể với các nhà báo Việt Nam, họ thường “trề nhún” ra vẻ “Ai sao mặc họ, ở Việt Nam là thế đấy!”. Nhưng rồi theo “dòng đời”, có nhà báo nào về sau này không biết sữ dụng vi tính và “cưỡng lại” các loại máy digital? Đừng vội công kích cái mới khi bản thân mình chưa có điều kiện thấy cái tích cực của cái mới. Sau này tôi đi du học và làm việc trong các công ty, dù có khó khăn nào, tôi cũng cho là có thể vượt qua, bởi những năm làm báo đã cho tôi thói quen năng động xoay sỡ trong mọi tình huống (cười).
6. Chân dung người trẻ trong tác phẩm của chị thường đẹp và nhiều cảm xúc. Nhưng ngoài những phẩm chất ấy, theo chị, họ còn gì nữa? Cảm xúc và sự chân thành đóng góp hay cản trở người trẻ thành công khi nhìn từ trải nghiệm của chị?
Càng trẻ người ta càng nên trong sáng, đẹp một cách tự nhiên không trau chuốt và nuôi dưỡng nhiều cảm xúc trong lành. Người trẻ còn có một sức bật rất lớn và dễ hòa nhập vào môi trường mới. Tôi vẫn tin rằng thế hệ nào chăng nữa thì bản tính hướng thiện luôn tồn tại trong mỗi con người. Ở người trẻ, phẩm chất ấy càng mạnh. Nhìn từ trải nghiệm của chính bản thân tôi, cảm xúc và sự chân thành là thế mạnh để giúp người trẻ thành công. Người ta luôn có cảm tình với những người ngu ngơ không biết gì nhưng luôn muốn học hỏi hơn là một người chẳng biết gì nhưng cứ thích làm ra vẻ ta đây. Càng đóng kịch, càng “diễn trò”, càng mưu mô chước quỉ chỉ làm người trẻ trở nên lố bịch và đáng thương trước những người có tuổi đời và tuổi nghề già dặn hơn. Người phương Tây cũng đánh giá cao chỉ số cảm xúc của con người (EQ), cảm xúc càng mạnh, sự sáng tạo càng cao. Và sự chân thành thì muôn đời là thế mạnh cho những ai muốn có những bước tiến vững chắc trên con đường dài lâu.