Trao đổi với một độc giả trẻ:
Sao cũng được!
Một độc giả tiếp cận tôi liên tục để xin trò chuyện (được cho là không dùng vào mục đích tiêu cực nào cả, chỉ để hiểu rõ thêm về tôi). Độc giả này vốn là cháu gái của một người bạn nên chúng tôi đã gặp nhau để trao đổi một chút. Độc giả này hỏi mấy câu hơi “khiêu khích” nhưng trực tính, nên tôi trả lời vui vẻ. Sau khi trao đổi xong, tôi muốn chép lại để lên web, cho các bạn độc giả khác cùng xem. Tên người phỏng vấn được giữ kín theo yêu cầu của bạn ấy (bạn đang là sinh viên năm cuối).
Chị thông tin trên web của mình là sách được tái bản liên tục, có phải chị muốn chứng tỏ mình là nhà văn ăn khách và ngày càng nổi tiếng?
Mỗi lần sách được tái bản tôi rất vui, tôi nghĩ mình cần thông báo tin vui này đến những độc giả, người đã trực tiếp hỗ trợ tôi. Tôi cũng nhân đó gởi lời cảm ơn chân thành đến độc giả. Những người vào web tôi chắc phần đông đều là độc giả ủng hộ, họ cùng vui với tôi khi biết sách tôi được tái bản. Chỉ một số ít nào đó vào web để “dòm ngó”. Sao cũng được, tôi không quan tâm ai đó nói tôi ham nổi tiếng và thích khoe mình ăn khách.
Nhưng thật chất chị có ham nổi tiếng không?
Không! Nổi tiếng không có gì đáng để ham. Tôi thích độc giả quan tâm đến bản thân cuốn sách, không phải người đã viết ra sách.
Nhưng có một thực tế là độc giả bị chị “hớp” với cái mác du học sinh trở về, làm việc trong công ty đa quốc gia, thành đạt, đi nước ngoài nhiều… Nếu không có cái mác này, liệu chị có bán được nhiều sách?
Tôi không làm thống kê độc giả tôi vì sao mua sách. Nhưng chắc rằng đa phần họ không mua sách vì nghe nói tác giả thế này thế kia. Họ mua vì muốn đọc cuốn sách. Cũng có thể ai đó tò mò, biết về tôi trước rồi mới tìm mua sách. Sao cũng được, động cơ nào cũng không làm tôi thấy phiền.
Một số độc giả thắc mắc, sao chị có một chức vụ cao trong vài công ty đa quốc gia mà sách của chị lại chứng minh chị là người hời hợt, nhạt, không sâu sắc?
Sao cũng được, chỉ có điều, nếu muốn được vào công ty đa quốc gia, nếu muốn có vị trí manager, chắc chắn người đó phải có óc tổ chức, có tầm nhìn, đầu nếu không đầy sạn thì cũng không thể toàn “tàu hủ” (cười).
Sao chị hay trả lời bằng cụm từ “sao cũng được”? Chị dễ dãi đến thế sao?
Sao cũng được, à, ý tôi muốn nói, tôi không phải là người dễ tổn thương bởi những lời nhận xét ác ý. Cho nên, sao cũng được (cười).
Chị không hề bực vì bị chê sách dở sao?
Nếu bực, thì sao tôi viết được. Thật sự cũng có nhiều người chê (cười). Nhưng tôi hướng đến mấy chục ngàn độc giả đang ủng hộ mình. Còn một người tìm đọc sách của tôi, tôi còn viết.
Chị nghĩ sao khi độc giả nói thất vọng chị? Họ chờ mong chị có gì mới mẻ hơn, thú vị hơn?
Sao cũng được (cười). Thất vọng thì cũng đành. Nếu vậy thì họ chuyển sang đọc sách tác giả khác. Bản thân tôi cũng không trung thành với một tác giả nào cố định trong suốt thời gian dài. Ai ủng hộ tôi thì tôi cảm kích, ai “bỏ” tôi thì tôi chịu vậy. Tôi không có tham vọng “nuôi” độc giả lâu dài.
Nếu độc giả nào đó yêu cầu chị đừng viết nữa?
Lời đề nghị khiếm nhã! (cười) Tôi vẫn viết thôi. Tự do cá nhân mà!
Thật sự chị có bị nhiều tác giả trẻ khác ganh tị vì sách tái bản liên tục?
Sao cũng được. Một ngày của tôi trôi qua quá nhanh vì những điều quan trọng và có ý nghĩa hơn.
Chị có xem văn chương là thánh đường?
Tôi không quan trọng hóa văn chương. Tôi cũng không xem thường. Tôi thích đọc sách và thích viết. Đơn giản vậy thôi.
Chị có quan tâm đến những nhận xét của nhà phê bình văn học?
Tôi không mấy quan tâm. Vì dù họ chê hay khen, thì sách của tôi vẫn vậy. Chỉ có chính bản thân nhà văn, trong quá trình viết lách, họ sẽ tự trưởng thành hơn về bút pháp và kỹ thuật. Còn cảm xúc thì mỗi người mỗi kiểu. Cốt truyện cũng tùy vào sự trải nghiệm và khả năng tưởng tượng của mỗi nhà văn. Không ai không muốn mình viết một cuốn sách được nhiều người tìm đọc, không ai không muốn sách mình là best seller. Nhưng theo tôi được biết thì không có công thức nào cho sách best seller cả. Vậy phê bình hay không phê bình cũng không làm nhà văn đó cải thiện được tình hình. Thôi thì người viết hãy cứ vô tư viết, đừng đắn đo, sợ hãi gì cả!
Vậy theo chị viết lách là niềm vui hay nỗi nhọc nhằn?
Tôi biết với nhiều nhà văn thì viết lách làm họ đau khổ nhưng họ vẫn phải viết với một sứ mệnh nào đó. Còn với tôi thì ngược lại, tôi thấy thư giãn khi viết. Tóm lại là tôi thấy vui.
Chị có nghĩ mình tài năng hơn người?
Trời ơi! Hằng ngày tôi đi làm, tôi tiếp xúc với đồng nghiệp, sếp, đối tác… họ luôn đáng cho tôi học hỏi. Tôi luôn thấy mình chẳng bằng ai và có nhiều điều tôi cần khắc phục. Tôi thề là tôi tự thấy mình vô cùng nhỏ bé (cười)
Nhiều độc giả phàn nàn viết email cho chị nhưng không nhận được hồi âm, như thế là không tôn trọng độc giả, chị giải thích sao?
Tôi lập trang web cá nhân này cũng vì mục đích trả lời chung cho tất cả độc giả. Tôi không có thời giờ đọc và trả lời hết cho từng người. Mỗi ngày tôi chỉ có chừng vài phút check email cá nhân, làm sao tôi trả lời cho hết? Ngoài công việc toàn thời gian, tôi còn có con nhỏ phải chăm sóc. Buổi tối về đến nhà tôi đuối lắm rồi, bản thân tôi còn luôn thiếu ngủ. Tôi nghĩ chỉ có những độc giả không biết thông cảm mới phàn nàn. Còn những ai cũng bận rộn, có công việc và cuộc sống gia đình thì đều thấu hiểu. Còn ai không chịu hiểu thì… sao cũng được.
Cảm ơn chị đã dành thời giờ cho trò chuyện này.
(7/2011)