Phóng vấn trên báo Phụ Nữ:
http://phunuonline.com.vn/giai-tri/xem-nghe-doc-%E2%80%93-choi/nha-van-duong-thuy-thoi-gian-viet-phai-tinh-bang-cuoc-doi-minh-da-song-74391/
Thời gian viết phải tính bằng cuộc đời mình đã sống
1. Cũng lâu rồi chị mới “xuất hiện” trước mắt độc giả theo đúng nghĩa đen, chị có…tự trách mình rằng đã “bỏ” độc giả đi quá lâu không khi tình cảm của mọi người vẫn dành cho mình vẹn nguyên như vậy? (Mà sự thật là văn chương bây giờ cũng cần bề nổi…)
Thật ra cũng không quá lâu mà. Cách nay hai năm tôi đã có cuốn truyện dài “Chờ em đến San Francisco”, sau đó vì tôi tập trung vào cuốn sách dịch “In the Golden Sun” (bản tiếng Việt là “Cung đường vàng nắng”) và cuốn du ký “Tôi nghĩ tôi thích nước Mỹ” nên 2 năm qua là khoảng thời gian bận rộn nhưng lại không ra được sách. Viết du ký vất vả lắm, rất mất thời gian. Nhưng tôi thấy cần viết nên phải viết. Viết một cuốn sách phải cho xong, hoàn chỉnh rồi tôi mới bắt tay vào cuốn khác. Tôi không thấy có gì tự trách bản thân, cũng không thấy độc giả nào trách tôi hết. Tôi cũng không cần một bề nổi, tôi thích cái gì đến tự nhiên.
2. Chị nghĩ sao khi có người nhận xét cuốn Tôi nghĩ tôi thích nước Mỹ vừa xuất bản đã thiếu đi “cái tôi lãng mạn” rất riêng của Dương Thụy?
Cuốn du ký nước Mỹ chắc chắn không lãng mạn được, vì nước Mỹ vốn không lãng mạn như Châu Âu. Nước Mỹ rộng lớn, bát ngát, vĩ đại. Còn Châu Âu nhỏ xinh, bình yên, lãng mạn. Đến Mỹ mà lãng mạn cũng khó, nên viết du ký về Mỹ có cố ép cũng không lãng mạn được. Nên như đã nói, cứ tự nhiên vậy thôi.
3. Có vẻ độc giả rất thích những câu chuyện tình lãng mạn chị tạo dựng trên nền những bối cảnh thật từ những chuyến đi. Vì sao chị không tiếp tục như đã từng với Oxford thương yêu , Chờ em ở san San Francisco, Cung đường vàng nắng…?
Tôi viết những gì tôi thấy tự thôi thúc, vì thế viết lách mới thích, mới sung, mới không mệt mỏi. Lúc nào viết truyện dài thì lãng mạn, còn du ký thì tự mình cảm nhận vùng đất đó thế nào, phong cách viết sẽ bật ra như thế đó.
4. Có nhà văn nói viết trước nhất là cho mình, nhưng cũng có người khẳng định rằng viết vì độc giả. Dương Thụy thì sao?
Cả hai, viết cho bản thân thì viết mới thích, mới có đam mê. Nhưng chỉ biết viết cho mình thích thì không chuyên nghiệp, viết xong bỏ trong laptop khỏi công bố. Vì thế, khi bắt đầu viết một cuốn sách, tôi đều cân nhắc độc giả hiện thích đọc gì và tôi hiện đang muốn viết gì. Cả hai yếu tố hợp lại với nhau. Đừng làm khó mình, cũng không nên làm khó người.
5. Mỗi nhà văn có một cái kho vô tận và mảnh đất riêng để cày xới, giống như chị từng nói “tôi có riêng một gian hàng” của mình. Vậy gian hàng trải nghiệm từ những chuyến đi chị thấy mình đã khai thác hết chưa? Nếu là quyển sách tiếp theo chị sẽ muốn viết về điều gì?
Ôi những gì tôi trải nghiệm là vô cùng phong phú, viết hoài mà không lo cạn. Bởi tôi vẫn không ngừng học hỏi, không ngừng có những trải nghiệm mới. Tôi luôn tiến lên phía trước, vừa sống vừa viết. Tôi ngại tiết lộ trước những gì mình sẽ công bố. Cứ viết trước đã, chừng nào sách ra thì mọi người biết.
6. Độc giả thấy rõ “cung đường văn chương” của Dương Thụy từ một cô gái lãng mạn, tự tin đến một phụ nữ sắc sảo, thông minh và rồi thực tế trong những cuốn sách. Sẽ có không một Dương Thụy…đau đời trước hiện thực cuộc sống? Và nếu là đau, thì đó sẽ là gì?
Đau đời thì ai mà không đau, kể cả khi bạn nghĩ tôi đang lãng mạn thì tôi cũng đau cái đau riêng của mình. Nhưng thật ra, tôi có một cuộc sống mà vui nhiều hơn buồn, hạnh phúc nhiều hơn đau khổ. Tôi có cái nhìn tích cực về cuộc đời, về lòng người, về mọi việc xung quanh tôi. Càng trưởng thành hơn tôi càng học được cách nhìn nhận vấn đề một cách tích cực. Tôi luôn tìm cách thoát cho nhanh nhưng vấn đề tiêu cực để hướng về “phía mặt trời mọc”.
7. Có khi nào chị nghĩ về sứ mệnh trong đời của một con người. Và chính sứ mệnh ấy đã cho chị một “đôi chân đi” không ngừng nghỉ…?
Sứ mệnh của mỗi người trước hết là cho mình một cuộc sống mà mình cảm thấy hạnh phúc. Bản thân mình phải thấy ổn, thì mới mong mình lo nghĩ tới người khác được. Tôi thấy nhiều người hay cố gánh lấy những sứ mệnh vĩ đại, nhưng trong lòng lại buồn khổ. Tôi sợ nhất là những người hay cho rằng họ sống vì người khác, họ hy sinh cuộc đời mình cho người khác. Chi vậy? Đâu có ai cần sự hy sinh của họ nếu họ luôn có bộ mặt đưa đám.
8. Nhưng đôi khi “đôi chân đi” lại cứ khiến người ta muốn quăng mình vào khám phá thế giới. 20 năm “đi”, bây giờ còn nơi nào là một “cung đường giấc mơ” mà chị muốn chinh phục?
Tôi không phải là người lang bạc kỳ hồ, lang thang vô định, càng không phài là người bỏ hết tất cả sau lưng để tìm kiếm một cung đường giấc mơ. Từ hồi nào đến giờ tôi đi theo kiểu “vừa làm vừa hưởng”. Tôi làm việc, sau đó tôi cho phép mình đi chơi một chút. Dĩ nhiên thời gian làm việc phải gấp nhiều lần thời gian đi chơi. Tôi có công việc, có gia đình, có trách nhiệm và có niềm vui xung quanh. Tôi không tìm kiếm xa xôi những gì ngoài tấm với. Tôi vẫn rất thích đi lại những nơi mình từng đi, và nếu có điều kiện thì đến những nơi chưa đến. Còn nhiều nơi chưa đến lắm.
9. Còn văn chương, với chị là một cuộc chinh phục hay là một “tiến trình tự nhiên”?
Tự nhiên thôi, nhưng cái tự nhiên này không dễ dàng đạt được, tôi phải làm việc, phải tập sống có kỹ luật. Nhưng tôi vui với những trang viết, tôi hạnh phúc được viết. Vì thế, viết lách luôn là một niềm vui, cứ viết đi đã, đừng nghĩ gì xa xôi. Hôm nào có thời giờ thì viết nhiều, hôm nào bận thì thôi. Nhưng phải luôn luôn viết, vì còn nhiều độc giả muốn mình viết, vì những trang viết của tôi có thể truyền cảm hứng đến những bạn trẻ hơn. Nhưng tôi cũng không thần thánh hóa việc viết lách hay ra sách. Tôi viết để tôi vui và đồng thời cũng đem niềm vui đến cho người khác. Tôi không bao giờ suy nghĩ rằng tôi viết vì độc giả, vì trách nhiệm.
10. Người ta thường thắc mắc: “bận rộn như vậy thì viết văn vào lúc nào” – như thể văn chương luôn phải là lựa chọn ở hàng thứ hai, ba…Vậy cứ…thắc mắc như người ta, rằng văn chương ở đâu trong quỹ thời gian của chị?
Tôi đã chia sẻ rất nhiều lần, là tôi dành thời gian để ngồi xuống viết ra rất ít. Trung bình mỗi ngày tôi viết giỏi lắm là 30 phút. Nhưng một nhà văn viết ra một cuốn sách không tính thời gian chỉ lúc viết, mà còn cả một quá trình người đó trải nghiệm, suy tư, sắp đặt ý tưởng, tìm kiếm tư liệu... Tôi viết bất cứ khi nào có thể, không cần phải có một cái bàn ngăn nắp, một không gian yên tĩnh, một môi trường vô trùng. Tôi viết trong lúc mọi người lướt facebook, mọi người đi uống cà phê tán dóc, mọi người dành cho các mối quan hệ xã giao. Tôi không có thời gian nhiều cho những việc đó. Tôi sữ dụng thời gian của tôi một cách có hiệu quả.
11. Có người nói sống là một cuộc đấu tranh để có hạnh phúc. Cũng có người cho rằng sống là một cuộc trải nghiệm khám phá hạnh phúc. Trong những cuộc “tranh luận trừu tượng” như vậy, ý kiến của chị sẽ như thế nào?
Cái gì trừu tượng thì không hợp với tôi. Như đã nói, tôi không có thời giờ để ngồi tranh luận trừu tượng theo kiểu này. Sống mỗi một ngày yên ổn, làm những việc cần làm, hưởng những gì đáng hưởng, chân đặt xuống đất bước đi. Đó đã là hạnh phúc!
12. Nói như thế để thấy rằng hình như con người ta vẫn sống và loay hoay với những định nghĩa, suy nghĩ, lựa chọn, trăn trở…Đó có là điều chị đã từng? Và điều gì chỉ khi đi ngang tuổi 40 chị mới nhận diện được cho chính mình (vì chính mình)?
Ngay từ khi còn trẻ tôi đã không thuộc dạng người ngồi chống cằm loay hoay với những trăn trở. Tôi cứ hùng hục học tập, làm việc, trải nghiệm. Cứ bận rộn như thế thì thời giờ đâu mà trăn trở. Đến nay khi tôi ở độ tuổi 40, tôi càng không có thời giờ mà trăn trở. Tôi càng phải sữ dụng thời giờ của mình một cách khôn ngoan hơn. Làm gì cũng có mục đích, dùng thời giờ của mình một cách vui vẻ. Làm việc ra làm việc, đi chơi ra đi chơi, ngủ cho ra ngủ.
13. “Nhà văn tuổi 40” khác “nhà văn tuổi 20” như thế nào?
Tôi thấy cũng vậy thôi, thời nào cũng viết. Có chăng là khi tôi 20, tôi viết e dè hơn bây giờ. Tôi buồn khi có ai chê, tôi nãn khi có ai chọc. Còn bây giờ tôi viết là chính, ai khen chê thì để đó. Không ảnh hưởng gì đến tôi cả.
14. Có rất nhiều nhận xét gặp nhau ở điểm chung về Dương Thụy: đơn giản, rõ ràng và sâu sắc, sắc sảo. Chị thấy đúng được…bao nhiêu phần trăm? Nếu cần thêm 5 tính từ để nói đúng nhất về chị bây giờ, đó sẽ là từ nào?
Đúng 100%. Ngoài ra, tôi tự nhận xét mình thế này. Đức tính mà tôi tự hào nhất, giúp tôi thành công và hạnh phúc trên đời này là Kiên Trì. Có Kiên Trì thì không sợ gì những trở ngại xung quanh. Có nước mắt, có buồn bã thì rồi cũng qua. Và mặc dù là người Mong Manh-Dễ Vỡ, ruốt cuộc với tính Kiên Trì, tôi vượt qua hết những trở ngại. Tôi cũng là người Hiếu Học, Hướng Thiện, Suy Nghĩ Tích Cực, Hành Động Cụ Thể. Tôi không ngồi yên suy nghĩ mông lung.
15. Tôi nghe hoài câu nói phụ nữ theo nghiệp chữ thường lận đận. Nhưng tôi thấy Dương Thụy hạnh phúc trong cách chị thể hiện con chữ và tri giác, trải nghiệm. Vậy chị có phản biện (hoặc định nghĩa ngược lại) về nghiệp chữ nghĩa trong cuộc đời mình?
Tôi cũng thấy ngạc nhiên vì câu “Phụ nữ theo nghiệp chữ thường lận đận”. Nếu đã lận đận thì theo làm gì? Tôi chỉ theo đuổi những gì làm tôi hạnh phúc. Cụ thể trong việc viết lách, rõ rành có kỹ năng viết là một lợi thế. Với lợi thế này tôi sống vui từng ngày. Nếu buồn thì viết ra, dạng như nhật ký thôi đã thấy nhẹ được nhiều. Viết lách là thú vui quá giản dị, không tốn kém, chả hại ai. Tóm lại, làm gì cũng nên vì niềm vui của bản thân. Nói như Richard Branson, những gì không vui không đáng làm (If it’s not fun, it’s not worth doing).
16. Với chị, sống như thế nào để có một “hạnh phúc bình thường”? Bản thân chị có từng phải tiếc nuối điều gì trong những năm tháng đã lựa chọn – hoặc đã không lựa chọn?
Như đã chia sẻ, tôi là dạng người hành động nhiều hơn suy nghĩ. Nhờ thích hành động, tôi có việc làm, có thu nhập, có sản phẩm. Nếu chỉ ngồi suy nghĩ lung tung, tôi thấy không giải quyết được gì cả. Vì hành động thì sẽ đi đôi với gặt hái. Có thành quả rồi tôi sẽ nhìn nhận mình nên làm gì để có sản phẩm tốt hơn. Cứ thế, tôi tiến lên phía trước mà ít nhìn lại sau lưng. Những gì cần chọn lựa tôi chọn một lần cho chắc, được các bên đồng thuận, thì cứ thế mà hành động thôi. Tôi chưa từng tiếc nuối điều gì, những gì không thuộc về mình thì không phải của mình, mình nên đi tìm những gì trong tầm tay. Và quan trọng là tôi luôn trân trọng những gì tôi có, tôi không chạy theo ảo ảnh, ít khi sống theo kiểu “cỏ nhà hàng xóm lúc nào cũng xanh”. Cỏ nhà tôi có lúc chưa xanh, nhưng tôi vẫn thương, và tôi cố gắng làm cho nó xanh hơn ngày hôm qua.
17. Độc giả sẽ muốn biết sắp tới “chị Thụy đi đâu?”
Điểm đến không quan trọng, hành trình mới đem lại cho người ta nhiều niềm vui. Độc giả cứ hãy biết, tôi vẫn đi trên con đường mình thấy vui. Và tôi cầu chúc cho độc giả của tôi hãy biết vui từng ngày. Vui hay không, tất cả nằm trong suy nghĩ tích cực của mình bạn ơi.
18. Xin cảm ơn chị!
TIỂU QUYÊN thực hiện