Ngọt ngào một tình yêu vượt biên giới
(ANTĐ) - “Oxford thương yêu” – câu chuyện tình lãng mạn và thuộc dạng hiếm trong văn học Việt Nam giữa Thiên Kim - cô sinh viên du học Anh quốc với chàng trợ giảng người Bồ Đào Nha Fernando.
Một tình yêu đẹp như mơ và một kết thúc có hậu ngọt ngào là điển hình cho bút pháp Dương Thụy – cây bút nữ nổi tiếng trong giới học sinh sinh viên qua những tác phẩm đậm chất học trò. Dương Thụy đã dành cho phóng viên Báo An ninh thủ đô một cuộc trò chuyện về cuốn sách đang gây sốt này của cô.
- PV: Khi sáng tác Oxford thương yêu, chị có sợ tác phẩm của mình với cái tên nghe đã học trò và câu chuyện tình cũng rất lãng mạn học trò sẽ bị người trẻ quay lưng?
- Dương Thụy: Nhiều phụ huynh nói với tôi rằng họ thường khuyên con họ đọc truyện của tôi vì tính trong sáng, nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi. Thế nên tôi hoàn toàn yên tâm là Oxford thương yêu sẽ được đón nhận. Vả lại, cuộc sống hiện đại cũng cần những giây phút lãng mạn lắm chứ. Bản thân tôi cũng là một người hiện đại và đã xa rời tuổi học trò từ rất lâu nhưng tính lãng mạn vẫn còn tồn tại. Cuốn Oxford thương yêu tuy mang màu sắc lãng mạn và kết thúc có hậu nhưng không khí trong truyện rất hiện đại. Các nhân vật đều là những người trẻ trí thức sống và làm việc trong một môi trường quốc tế năng động. Họ yêu nhau cũng “hiện đại” (theo nghĩa tích cực) chứ không lãng mạn sướt mướt. Và tác phẩm của tôi dẫu không theo trào lưu của dòng văn học mạng nhưng đang là cuốn sách best seller trong tháng này.
- PV: Được biết Dương Thụy có đi tu nghiệp ở Anh nhưng không phải tại Oxford. Làm thế nào mà chị có thể viết về Oxford kỹ càng và xúc cảm đến thế?
- Dương Thụy: Oxford thương yêu lúc đầu chỉ là một truyện ngắn tôi viết để nhớ đến người thầy nhân hậu của mình – nguyên mẫu giáo sư Badlley. Nhưng rồi trong lúc viết, các nhân vật khác cứ “hiện ra”. Khi nhận thấy có thể phát triển thành truyện dài, tôi làm lại dàn ý và chủ động tìm hiểu thông tin qua Internet và những người quen từng du học ở Anh. Thời điểm đó, tôi chưa từng được đến Oxford. Sau này khi sang Anh tu nghiệp, tôi mới đến thăm Oxford và càng thấy mình chọn bối cảnh ở đây là hợp lý dù thực sự là hơi “liều”. Oxford quá đẹp, cổ kính và vô cùng lãng mạn!
- PV: Có phải chị cũng có mối tình với người thầy nước ngoài của mình như nhân vật Thiên Kim trong truyện? Oxford thương yêu có bao nhiêu phần trăm sự thực?
- Dương Thụy: Ngoài đời thực tôi chẳng có mối tình nào với người nước ngoài cả
dù tôi tiếp xúc với người nước ngoài rất nhiều. Có người còn rất thân thiết, rất hiểu nhau mà có lẽ có thể tiến triển thành tình yêu. Nhưng vì tôi đã yêu một anh chàng Việt Nam trước khi đi nước ngoài nên trái tim không rộng mở cho ai cả. Tôi và anh ấy có quá trình 9 năm yêu nhau trước khi cưới. Anh là dân du học MBA tại Đại học Birmingham nên đã cho tôi khá nhiều thông tin về không khí học tập ở Anh quốc để viết Oxford thương yêu. Nếu tính chi li, rạch ròi, Oxford thương yêu chỉ có 10% là sự thực.
- PV: Việc yêu một người thầy hay một người nước ngoài nói chung có phải là tình trạng phổ biến của các nữ sinh viên Việt Nam du học?
- Dương Thụy: Chuyện nữ sinh Việt Nam đi du học rồi yêu một người nước ngoài thực ra rất hiếm hoi. Vì khác biệt văn hóa, hiếm khi hai người Á - Âu dám tiến lại gần nhau. Người Việt Nam thích co cụm trong cộng đồng của mình chứ ít khi hòa đồng với người nước ngoài. Và còn vấn đề thời gian, chỉ du học từ 1 đến 2 năm không đủ cho một mối tình nảy sinh. Người châu Âu rất thích phụ nữ châu Á về mặt hình thể nhưng rất ngại bản tính e ấp, khó hiểu kiểu “con gái nói có là không”. Mối tình của Kim và Fernando trong Oxford thương yêu là một mối tình hiếm hoi và phải có điều kiện “cần và đủ” mới nảy nở được. Kim là một cô gái khá hiện đại để có thể “Âu hóa”, còn Fernando là một chàng trai nghiêm túc, xuất thân trong một gia đình gia giáo để có thể “Việt Nam hóa”.
- PV: Nhiều nhà văn trẻ hiện nay thích viết về sex và chọn đề tài sex để khẳng định mình. Dương Thụy có định cho ra đời một tác phẩm sex với lợi thế nhiều năm sống ở nước ngoài của mình?
- Dương Thụy: Tôi lại phải đính chính cho người nước ngoài và quá trình sống ở nước ngoài của mình: người phương Tây không phải là dân “lang chạ”, xem sex như một phần tất yếu của cuộc sống hay có một đời sống tình dục buông thả. Họ đề cập đến sex nhiều hơn người châu Á nhưng cách họ đề cập rất nghiêm túc và hồn nhiên. Nam nữ yêu nhau có thể đến với nhau trên tinh thần tự nguyện của đôi bên, không có chuyện bị ép uổng rồi “quất ngựa truy phong”. Thi thoảng tôi đề cập đến sex trong tác phẩm của mình nhưng theo một nghĩa tích cực vì tôi thấy nhiều người hay lên án sex nhưng lại chẳng hiểu gì về sex. Tuy nhiên tôi không có kinh nghiệm cũng như kiến thức về lĩnh vực này nên chỉ dám đề cập chút chút vậy thôi. Nếu nhà văn nào thích viết về sex mà viết hay thì cũng tốt, tôi không có ý kiến. Nhưng viết về sex hay rất khó. 7x, 8x viết sex hay lại càng khó. Còn bản thân tôi thì dù có muốn cũng không thể cho ra đời một tác phẩm về sex vì thứ nhất tôi không có kiến thức tâm lý học, tình dục học, thứ hai tôi còn rất nhiều điều thú vị khác để viết.
Hoàng Hồng (Thực hiện)